Doanh nghiệp đua nhau đầu tư lĩnh vực năng lượng: Kết quả có như kỳ vọng?
Bắt kịp xu hướng khuyến khích đầu tư năng lượng sạch của Chính phủ, cũng như sự chuyển dịch từ điện than sang điện gió, điện mặt trời, đã thôi thúc nhiều doanh nghiệp nhảy vào lĩnh vực năng lượng sạch.
Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai (mã chứng khoán: ASM – sàn HOSE) đã khởi công giai đoạn II nhà máy điện năng lượng mặt trời Sao Mai với công suất 106 MW tại An Giang.
Được biết, nhà máy điện mặt trời Sao Mai có tổng công suất là 210 MW với vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 có vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, công suất 104 MW được khởi công tháng 2/2019 và hoàn thành phát điện trước 30/6/2019. Giai đoạn 2 công suất 106 MW với vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trước 31/12/2020.
Trước đó, tại CTCP Điện Gia Lai (mã chứng khoán: GEG – sàn HOSE) thông báo kế hoạch chào bán 51 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 4:1, giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó, số tiền huy động được dự kiến là 510 tỷ đồng sử dụng cho việc đầu tư hoặc góp vốn đầu tư vào các công ty con triển khai các dự án năng lượng tái tạo và bổ sung vốn hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng vừa thông chủ trương phát hành trái phiếu để huy động 200 tỷ đồng (tối đa 300 tỷ đồng), dự kiến hoàn tất trong tháng 9/2020 hoặc chậm nhất là ngày 5/10/2020. Trái phiếu có thời gian dự kiến tối đa 2 năm với lãi suất là 10,5%/năm.
Được biết, trong tháng 8/2020, GEG đã phê duyệt chủ trương đầu tư vào 2 dự án nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 và nhà máy điện gió la Bang 1, với quy môt công suất dự kiến lần lượt 100 MW và 50 MW. Có thể thấy với định hướng phát triển mảng năng lượng, GEG liên tục huy động vốn từ chủ sở hữu và vốn vay để tài trợ cho quá trình mở rộng này.
Tại CTCP Bamboo Capital (mã chứng khoán: BCG – sàn HOSE) dự kiến bảo lãnh cho công ty con phát hành 220 tỷ đồng trái phiếu và chào bán tỷ lệ 50% cho cổ đông hiện hữu, tương ứng 68 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Doanh nghiệp dự kiến dùng số tiền huy động được để nâng cao năng lực về vốn, bổ sung nguồn vốn nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, trong tổng 680 tỷ đồng huy động được, doanh nghiệp sẽ dùng 420 tỷ đồng cho các dự án năng lượng tái tạo; 230 tỷ đồng cho các dự án bất động sản; và 30 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.
Có thể thấy với đặc thù vốn đầu tư dự án lớn giai đoạn đầu và sau khi vận hành sẽ thu dòng tiền đều đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, tuy nhiên không phải hiệu quả kinh doanh đều tương đồng.
Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành (Trường Thành Group, mã chứng khoán TTA – sàn HOSE) mặc dù là tân binh trên sàn chứng khoán nhưng lại là doanh nghiệp có biên lợi nhuận gộp cao nhất.Mặc dù cùng hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tuy nhiên hiệu quả kinh doanh có sự phân hoá rất mạnh.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2020, biên lợi nhuận gộp của Trường Thành Group là 67,6%, trong khi đó biên lợi nhuận gộp của GEG là 58,6%, còn BCG chỉ là 16,3%, ASM là 11,4%, LCG là 12,8%.
Mặc dù lĩnh vực năng lượng sạch là một lĩnh vực tiềm năng khi được chính phủ khuyến khích đầu tư. Cụ thể, quyết định số 13 của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam chính thức có hiệu lực từ ngày 22/5/2020.Không chỉ biên lợi nhuận gộp mà ngay cả biên lợi nhuận ròng trong ngành cũng có sự phân hoá rất mạnh. Trong đó, Trường Thành Group và Điện Gia Lai là hai doanh nghiệp có biên lợi nhuận ròng cao và tốt nhất ngành, trong khi đó BCG, LCG và ASM lại không có hiệu quả kinh doanh được như vậy.
Ngoài ra, theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), điện mặt trời sẽ vượt qua nhiên liệu than đá để trở thành nguồn sản xuất điện chiếm ưu thế trên thế giới năm 2030, đóng góp tới 42% sản lượng điện toàn cầu.
Tuy nhiên, thực tế hiệu quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp năng lượng đang cho thấy sự phân hoá tương đối mạnh, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có kinh nghiệm phát triển lâu năm có biên lợi nhuận cao hơn nhóm doanh nghiệp mới đầu tư.
theo tinnhanhchungkhoan.vn