Những đề xuất ứng dụng hệ thống lưu trữ năng lượng tại Việt Nam
Tại hội thảo khoa học “Ứng dụng hệ thống lưu trữ năng lượng và Công nghệ nâng cao hiệu suất cho các dự án năng lượng tái tạo của Việt Nam” được Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, tham luận của Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực đã đưa ra bức tranh tổng quát tình hình thực hiện các dự án nguồn, lưới điện trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và những thách thức trong quá trình triển khai.
Theo đó, hệ thống điện Việt Nam là một trong những hệ thống điện có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới, đạt 9,6% trong giai đoạn 2011 – 2020, tuy năm 2020 có giảm do đại dịch Covid-19. Cuối năm 2020, tổng công suất đặt của hệ thống đạt 69.342 MW trong đó điện mặt trời đạt 16.428 MWac và điện gió đạt 538 MW. Về lưới điện, hệ thống đã có 8.527 km đường dây 500 kV làm trục xương sống lưới quốc gia. Một số TBA 500 kV cấp điện cho miền Bắc và miền Nam đang bị đầy hoặc quá tải, liên quan tới việc nhiều nguồn NLTT được đưa vào vận hành trong thời gian ngắn. Lưới điện Việt Nam đã thuộc loại hiện đại với chỉ tiêu tổn thất điện năng của toàn hệ thống đạt 6,42% (năm 2020). Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích khác nhau cho các loại hình điện NLTT, bao gồm giá FIT ưu đãi kéo dài tới 20 năm, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu thiết bị, sử dụng đất và tiếp cận tài chính. Vì vậy, đến ngày 31/10/2021 đã có 3.980 MW điện gió và 16.428 MWac điện mặt trời được đưa vào vận hành. Nguồn điện mặt trời mái nhà phát triển quá nhanh, đạt 7.755 MWac và tập trung chủ yếu ở miền Trung và miền Nam.
Đại diện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bổ sung thêm về NLTT trong hệ thống điện Việt Nam: Theo định hướng chiến lược năng lượng quốc gia, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 15% ÷ 20% năm 2030 và 25% ÷ 30% vào năm 2045. Trong đó, sản lượng điện mặt trời và điện gió dự kiến đạt khoảng 10 MTOE năm 2030 (tương đương 116,3 tỷ kWh hay 21% điện sản xuất toàn hệ thống cùng kỳ). Điện gió có dao động sản lượng bình quân ngày khác biệt lớn giữa các tháng. Cụ thể là tháng 5 có sản lượng điện gió bình quân ngày thấp nhất, chỉ bằng 25% tháng cao nhất (tháng 12). Công suất bình quân huy động thấp nhất vào 1 giờ sáng tháng 5 chỉ tương ứng với 11% công suất huy động cao nhất (13h tháng 12). Điều đó đòi hỏi phải có dự trữ rất lớn nếu phát triển điện gió như dự thảo Quy hoạch điện VIII. Điện mặt trời không thể phát từ khoảng 18h hôm trước đến 5h hôm sau, dao động sản lượng các tháng không nhiều, sản lượng tháng 12 thấp nhất, bằng 70,5% tháng cao nhất (tháng 4), tốc độ biến thiên công suất lớn, ước tính 132 MW phút vào năm 2030. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao EVN nghiên cứu đầu tư các giải pháp lưu trữ điện năng cho hệ thống. Từ quan điểm của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), với sự gia tăng tỷ lệ điện gió và điện mặt trời, cần phải đầu tư các công nghệ tăng tính linh hoạt, tăng nhu cầu dịch vụ phụ trợ ổn định điện áp, dự phòng vận hành (điều tần, dự phòng đồng bộ và dự phòng không đồng bộ). Bên cạnh đó, nhu cầu truyền tải công suất phát của điện mặt trời, điện gió lúc cao điểm làm gia tăng hiện tượng quá tải lưới cục bộ và tăng nhu cầu dịch chuyển đỉnh – đáy của biểu đồ phụ tải. A0 đã có các sáng kiến trong điều độ quá tải lưới, thông báo kịp thời cho nhà máy đang gây quá tải. Quán tính hệ thống có thời điểm bị giảm nghiêm trọng như Tết 2021, dẫn đến nguy cơ sa thải phụ tải.
Ngày 22/12/2021, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã có công văn số 152/BC-NLVN, về việc báo cáo kết quả “Hội thảo khoa học ứng dụng hệ thống lưu trữ năng lượng và công nghệ nâng cao hiệu suất cho các dự án năng lượng tái tạo của Việt Nam và một số đề xuất, kiến nghị” gửi Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương. Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 39/PC-VPCP, ngày 6/1/2022, chuyển báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả “Hội thảo khoa học ứng dụng hệ thống lưu trữ năng lượng và công nghệ nâng cao hiệu suất cho các dự án năng lượng tái tạo của Việt Nam và một số đề xuất, kiến nghị” của Tạp chí Năng lượng Việt Nam đến Bộ Công Thương để xem xét, xử lý theo quy định. Trong báo cáo, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã phân tích tình hình hệ thống điện, sự cần thiết, vai trò hệ thống lưu trữ năng lượng, những thách thức trong phát triển lưu trữ năng lượng và đề xuất, kiến nghị 7 giải pháp “ứng dụng lưu trữ điện cho hệ thống năng lượng tái tạo Việt Nam”:
- Chính phủ cần cho tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, cho phép áp dụng thử nghiệm các mô hình lưu trữ điện năng trên hệ thống điện Việt Nam để khẳng định hiệu quả, sự cần thiết và vai trò của hệ thống lưu trữ năng lượng (bao gồm lưu trữ điện, nhiệt, điện hóa, cơ…), từ đó có thể ban hành các quy định, cơ chế về dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, tăng hiệu quả chung của hệ thống năng lượng. Trước mắt, đề nghị bổ sung khối lượng hệ thống lưu trữ năng lượng trong danh mục 2021 – 2030 của Quy hoạch điện VIII để làm cơ sở thực hiện.
- Về phía quản lý vận hành hệ thống điện, kiến nghị Bộ Công Thương xem xét giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư thử nghiệm pin lưu trữ điện quy mô 100 -:- 200 MW trên lưới truyền tải, qua đó lấy kinh nghiệm mở rộng thị trường.
- Kiến nghị Bộ Công Thương cho áp dụng thí điểm ở quy mô nhỏ và cực nhỏ các hệ thống pin lưu trữ tại các nhà máy điện mặt trời, điện gió trong giai đoạn ngắn hạn, có thể cho kết hợp với bên thứ 3 – nhà cung cấp thiết bị để cùng đầu tư kinh doanh. Các hệ thống lưu trữ nhỏ có thể làm giảm các tác động nghẽn lưới.
- Để khuyến khích các dự án ban đầu, Chính phủ ban hành quy định giá bán điện từ pin lưu trữ tương đương với giá điện các giờ cao điểm của hệ thống, hoặc cho phép giá bán điện từ các dự án năng lượng tái tạo có đầu tư pin lưu trữ cao hơn các dự án thông thường.
- Đề xuất Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng cơ chế quy định để Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quy định thị trường của các mô hình lưu trữ điện năng, trong đó cơ chế về lưu trữ điện như là dịch vụ phụ trợ hệ thống điện (ổn định tần số, điện áp, dự phòng vận hành…).
- Kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Khoa học Công nghệ sớm ban hành các quy định kỹ thuật cho các loại hình lưu trữ năng lượng, làm căn cứ cho việc lựa chọn công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường.
- Chính phủ, Bộ Công Thương cần tạo điều kiện tối đa để Thủy điện Tích năng Bác Ái có thể hoàn thành sớm trước năm 2028, đồng thời cho bổ sung thêm các nhà máy thủy điện ích năng khác để hỗ trợ năng lượng tái tạo và cả hệ thống điện nói chung trong dài hạn./.