Ninh Thuận lựa chọn doanh nghiệp tư nhân đầu tư Nhà máy điện mặt trời 450 MW
Tập đoàn Trung Nam, vốn đã có 1 tổ hợp điện gió tại Ninh Thuận. Ngày 20-3, đại diện của Tập đoàn Trung Nam cho biết, dự án điện mặt trời Thuận Nam 450MW kết hợp với đầu tư Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia đã được tỉnh Ninh Thuận ký văn bản lựa chọn nhà đầu tư vào ngày 18-3-2020, với tổng vốn đầu tư 14.000 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Tâm Tiến – Tổng giám đốc Trung Nam Group – cho biết, Trung Nam Group đặt ra tiến độ triển khai từ quý 2 đến quý 4/2020, hoàn thành và đưa vào vận hành cuối quý 4/2020. Nhà máy điện mặt trời sử dụng công nghệ pin quang điện, inverter trung tâm với quy mô công suất 450 MW.
Đối với hạ tầng truyền tải: Xây dựng TBA 500 kV Thuận Nam với quy mô công suất 3x900MVA. Năm 2020 lắp trước 2 máy biến áp 900MVA.
Xây dựng đường dây 500 kV mạch kép từ TBA 500 kV Thuận Nam đến điểm đấu nối chuyển tiếp 4 mạch trên đường dây 500 kV Vân Phong – Vĩnh Tân, chiều dài 2 km.
Xây dựng đường dây 500 kV mạch kép từ điểm đấu nối đến về TBA 500 kV Nhiệt điện Vĩnh Tân, chiều dài khoảng 13,5 km. Mở rộng 2 ngăn lộ 500 kV tại TBA 500 kV Vĩnh Tân.
Xây dựng đường dây 220 kV 4 mạch đấu nối thanh cái 220 kV TBA 500 kV Thuận Nam chuyển tiếp trên 2 mạch đường dây 220 kV Vĩnh Tân – Tháp Chàm, chiều dài 2 km
Khi đi vào vận hành, dự án sẽ giải tỏa được công suất truyền tải cho khu vực Ninh Thuận và tạo điều kiện tiếp tục phát triển ngành năng lượng tái tạo của Ninh Thuận. Dự kiến khi đi vào vận hành, nhà máy điện mặt trời Thuận Nam với quy mô công suất 450 MW sẽ là nhà máy điện mặt trời lớn nhất tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á hiện tại.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh, yêu cầu chủ đầu tư (Trungnam Group) thực hiện đầy đủ các nội dung đã cam kết tại hồ sơ đăng ký đầu tư cũng như văn bản cam kết, nhất là về tiến độ triển khai dự án, chất lượng công trình, cơ chế giá điện, bàn giao hệ thống hạ tầng lưới điện truyền tải cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia quản lý; đấu nối, giải tỏa công suất cho các dự án năng lượng tái tạo trong khu vực.
Sở Công Thương Ninh Thuận có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện thủ tục thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật thi công, thỏa thuận đấu nối với các thủ tục liên quan khác đảm bảo đr điều kiện khởi công xây dưng, hoàn thành dự án theo đúng tiến độ…
Sau khi hoàn thành dự án, chủ đầu tư phải bàn giao công trình hạ tầng lưới điện truyền tải cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam/Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia quản lý, đồng thời không yêu cầu hoàn trả kinh phí đầu tư (hoặc bàn giao với chi phí 0 đồng) theo như cam kết của nhà đầu tư.
Trong trường hợp không đảm bảo tiến độ hạ tầng truyền tải đúng cam kết, Trung Nam Group phải chịu trách nhiệm bồi thường chi phí cho EVN theo quy định mua bán điện với chủ đầu tư dự án NMNĐ BOT Vân Phong 1.
Việc lựa chọn Trung Nam Group làm nhà đầu tư đã giúp Nghị quyết số 55 về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Bộ Chính trị chính thức đi vào cuộc sống chỉ sau 1 tháng được ban hành. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử ngành năng lượng Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân được đầu tư hạ tầng truyền tải năng lượng, chung tay góp sức vào sự phát triển ngành năng lượng nước nhà.