Sản lượng thủy điện tháng 5 lập kỷ lục
Sản lượng điện tháng 05/2022 trong các nhà máy thủy điện của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển Trường Thành (TTA) đạt trên 32,7 triệu KWh (trong đó: cụm nhà máy thủy điện Ngòi Hút 2 – 2A đạt hơn 23,2 triệu KWh, nhà máy thủy điện Pá Hu đạt trên 9,5 triệu KWh), tăng xấp xỉ 315,4% so với cùng kỳ năm 2021, và đây là mức sản lượng tháng 5 cao nhất đối với từng nhà máy nói riêng và của cả Công ty nói chung trong nhiều năm trở lại đây (tương đương mức sản lượng của các tháng cao điểm trong các năm trước). Tính 05 tháng đầu năm 2022, sản lượng điện của nhà máy thủy điện Ngòi Hút 2 đạt trên 62 triệu KWh, con số này của nhà máy thủy điện Ngòi Hút 2A và Pá Hu lần lượt là gần 9,9 triệu KWh và hơn 25,7 triệu KWh, như vậy, tổng sản lượng điện của mảng thủy điện của TTA đạt 97,64 triệu KWh, lập kỷ lục về mức sản lượng cao nhất của các tháng mùa khô trong vòng 5 năm gần đây.
Nguyên nhân của các con số kỷ lục này được cho là đến từ 2 yếu tố: lượng mưa trong 5 tháng đầu năm 2022 tại khu vực miền Bắc cao hơn mức trung bình nhiều năm, báo hiệu mua mưa đến sớm; và nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao do mở cửa phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, trong bối cảnh giá nguyên liệu hóa thạch tăng cao.
GS. TS Trần Hồng Thái – Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết: tổng lượng mưa năm 2022 sẽ cao hơn mức trung bình và mùa mưa năm 2022 sẽ đến sớm hơn trung bình nhiều năm (TBNN), và có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, có khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan. Cụ thể, mùa mưa bắt đầu sớm hơn so với TBNN ở khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Trong các tháng mùa mưa bão, tại khu vực Bắc Bộ lượng mưa có xu hướng cao hơn TBNN, đề phòng các đợt mưa lớn có khả năng xảy ra từ khoảng tháng 06 – 08/2022. Tuy nhiên, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ lượng mưa có xu hướng thiếu hụt so với trung bình trong giai đoạn tháng 06 – 09/2022. Khu vực Trung Bộ, tổng lượng mưa dự báo cao hơn TBNN trong các tháng 10 đến tháng 11/2022, đề phòng khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn gây lũ và ngập lụt trong giai đoạn này. Riêng khu vực Bắc Bộ: Đỉnh lũ năm 2022 trên các sông ở Bắc Bộ phổ biến ở mức Báo động 1 – Báo động 2, phổ biến cao hơn năm 2021, riêng các sông suối nhỏ từ Báo động 2 – Báo động 3. Các đợt lũ lớn phổ biến tập trung vào nửa cuối mùa lũ (tháng 8).
Nhiều chuyên gia tài chính kinh tế cho rằng: Việc mở cửa kinh tế trở lại giúp tiêu thụ điện toàn quốc tăng. Cùng đó, giá trên thị trường phát điện cạnh tranh (giá CGM) cũng tăng lên. Trong bối cảnh thuận lợi, doanh nghiệp điện đã có kết quả kinh doanh rất khả quan, đặc biệt là các doanh nghiệp thủy điện. Giới phân tích cũng cho rằng, trong bối cảnh giá than và khí tăng, cộng hưởng với sự thiếu hụt than, doanh nghiệp thủy điện sẽ tiếp tục hưởng lợi trong quý II – quý III/2022.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, giá CGM trung bình quý đầu năm 2022 là 1.515 đồng một KWh, tăng 37% so với cùng kỳ 2021. Thị trường phát điện cạnh tranh được triển khai xây dựng từ đầu năm 2019, hướng tới đưa ra mô hình thiết kế thị trường bán lẻ điện phù hợp với thông lệ quốc tế, cho phép khách hàng lựa chọn, thay đổi đơn vị cung cấp điện, đảm bảo giá bán lẻ điện minh bạch và phản ánh đúng chi phí… Tuy nhiên nếu tính chung cả năm nay, giá CGM được SSI dự đoán chỉ tăng 30%, khoảng 1.300 đồng một kWh. Giả định trên thấp hơn so với trung bình quý I/2022 do hiện tượng La Nina (nhiệt độ biển hạ thấp, gây nhiều bão) có thể quay lại trong quý II. Trong hệ thống các nhà máy điện, nhà máy thủy điện có chi phí và giá bán trung bình thấp hơn so với nhiệt điện. Sản lượng từ nhà máy thủy điện tăng có thể làm hạ nhiệt mức tăng giá CGM. Nhưng SSI vẫn lưu ý, nếu nhu cầu tiêu thụ điện tăng mạnh thì diễn biến giá CGM có thể vẫn thuận lợi. Về tình hình tiêu thụ điện, SSI nhận định, nếu giá dầu khí và than nhiệt tiếp tục tăng, áp lực lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể chậm lại sẽ khiến hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng GDP của Việt Nam bị ảnh hưởng, từ đó kéo theo mức tiêu thụ điện giảm. Theo kịch bản xấu nhất, nếu tăng trưởng GDP của Việt Nam khoảng 5-6%, tăng trưởng tiêu thụ điện toàn quốc sẽ khoảng 7%. Nếu GDP tăng 6-7%, tiêu thụ điện sẽ tăng 9,2%.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam, trong quý I/2022, tổng sản lượng điện tăng nhẹ 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 63,03 tỷ KWh nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế. Theo ước tính của KIS Việt Nam, tổng doanh thu của 38 doanh nghiệp ngành điện tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lợi nhuận sau thuế công ty mẹ tăng ngoạn mục 69,9% so với cùng kỳ năm trước nhờ sản lượng và giá bán thuận lợi; trong đó, các công ty thủy điện là bên đóng góp chính vào tăng trưởng, khi lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt mức tăng trưởng kỷ lục 108,1% so với cùng kỳ năm ngoái. KIS Việt Nam cho rằng, thủy điện sẽ được hưởng lợi từ khủng hoảng thiếu than trong quý II/2022. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), toàn hệ thống đang thiếu hụt 3.000 MW điện than khi mùa cao điểm đang tới rất gần. Tỷ trọng than nhập khẩu trong lượng than Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cung cấp cho các nhà máy điện tăng trong bối cảnh giá than thế giới tăng mạnh đang gây áp lực lên giá bán điện than. Mặc dù giá khí đang có xu hướng tiếp tục tăng, KIS Việt Nam tin rằng EVN sẽ tăng cường huy động nhiệt điện khí cùng với thủy điện để bù đắp cho thiếu hụt điện than. Trong bối cảnh giá than và khí tăng, cộng hưởng với sự thiếu hụt than, các công ty thủy điện ở khu vực miền trung nổi lên như là “ngôi sao sáng” của ngành điện. KIS Việt Nam cho biết, biên lợi nhuận gộp ngành điện đạt đỉnh trong quý I dù giá nhiên liệu đầu vào tăng. Tỷ suất lợi nhuận gộp của các công ty thủy điện đạt mức kỷ lục 63,1% trong quý I/2022, tăng 8,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái và 2,6 điểm phần trăm so với quý liền trước đó. Kết quả kinh doanh tốt hơn kỳ vọng đã giúp các công ty thủy điện hoàn thành 28% – 40% kế hoạch doanh thu năm 2022.
Nguồn thông tin: