Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo sạch ở Việt Nam
Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường là bài toán nhức nhối, đau đầu đối với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam, tốc độ gia tăng tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng. Một trong những nguyên nhân chính đó là việc sử dụng, đốt các dạng năng lượng hóa thạch, phương pháp thường được sử dụng trong các nhà máy nhiệt năng. Mặt khác, ngành năng lượng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển liên tục của Việt Nam, việc tiếp cận nguồn năng lượng tin cậy, giảm thiểu chi phí, sẽ là yếu tố quan trọng để tăng trưởng kinh tế bền vững. Việc đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu như đã đặt ra trong thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu sẽ phụ thuộc nhiều vào lộ trình phát triển của các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Chúng ta cần một giải pháp hiệu quả để không xảy ra tình trạng đánh đổi môi trường sống lấy tăng trưởng kinh tế, và các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, điển hình là năng lượng mặt trời và năng lượng gió, được cho là giải pháp hữu hiệu, thay thế năng lượng hóa thạch, cho Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới trong công cuộc hạn chế phát thải khí nhà kính và rác thải ra môi trường. Tuy nhiên, phát triển ngành năng lượng tái tạo ra sao, và như thế nào đang là bài toán đặt ra với Chính phủ nhằm tìm ra phương án hiệu quả khai thác nguồn năng lượng này.
Tính tới thời điểm hiện tại ở Việt Nam, nhiệt điện than và thủy điện đang chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất điện. Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, giai đoạn 2011 – 2020, xét đến 2030, đã đặt ra mục tiêu và định hướng phát triển năng lượng tái tạo. Với tổng số giờ nắng cao lên đến hơn 2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình hằng năm vào khoảng 230 – 250 kcal/cm2 theo hướng tăng dần về phía nam là điều kiện tốt để phát triển công nghệ năng lượng mặt trời.
Việt Nam phát triển thành công nhiều dự án năng lượng mặt trời với hơn 100 dự án đã kí hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tổng công suất hiện tại của các nhà máy điện mặt trời đã đưa vào vận hành xấp xỉ 6.000 MW, chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền nam, cụ thể là Nam Trung Bộ. Ninh Thuận và Bình thuận là hai tỉnh tập trung nhiều dự án, chiếm tới hơn 42%. Với nhiều lợi ích mang lại cho Chính phủ cũng như cộng đồng, điện mặt trời áp mái đã được người dân, doanh nghiệp quan tâm.
Với lợi thế đường biển dài hơn 3.200 km và tốc độ gió trung bình ở Biển Đông Việt Nam hằng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65m, phát triển năng lượng gió ở Việt Nam có triển vọng rất lớn, nhất là vùng duyên hải miền trung, Tây Nguyên và các đảo. Hiện nay, có chín nhà máy (trang trại) điện gió đang vận hành với tổng công suất 304,6 MW, trong đó lớn nhất là trang trại điện gió Bạc Liêu với gần 100 MW, nhỏ nhất là nhà máy điện gió Phú Quý 60 MW nối lưới độc lập (không nối lưới điện quốc gia) trên đảo Phú Quý (Bình Thuận), còn lại là 7 nhà máy điện gió quy mô công suất nhỏ dưới 50 MW. Song, phát triển điện gió đang tiến từng bước khá chậm mà nguyên nhân do có quá nhiều rào cản, khó khăn về pháp lý, kỹ thuật, kinh phí và nhân lực. Có thể nói, khá ít dự án điện gió triển khai thành công. Số còn lại còn rất chậm vì chỉ được ngân hàng giải ngân một phần hoặc có giấy phép nhưng chưa có đầu tư. Nhưng lý do chính khiến ít doanh nghiệp đầu tư là giá mua điện còn quá thấp trong khi chi phí kết nối mạng điện khá cao.
Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, cụ thể là năng lượng mặt trời và năng lượng gió, là rất lớn, tuy nhiên, vẫn cần có những chính sách, cơ chế đặc biệt, khuyến khích đồng bộ và nhất quán từ trung ương cho tới địa phương, đồng thời, cần khuyến khích khối doanh nghiệp tư nhân tham gia mạnh mẽ, đặc biệt là các doanh nghiệp đủ tiềm lực về tài chính và năng lực vận hành, loại bỏ tình trạng “xin – cho”, dự án treo,… nhằm thúc đẩy quá trình phát triển, tạo ra những bước nhảy vọt trong ngành năng lượng tái tạo Việt Nam.