Tình hình thủy văn thuận lợi, doanh nghiệp thủy điện báo lãi tăng cao
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thuỷ điện đã lần lượt công bố kết quả kinh doanh quý 3 và phần lớn doanh nghiệp thuỷ điện đều có kết quả kinh doanh khởi sắc. Có thể thấy KQKD khởi sắc của các doanh nghiệp thủy điện đến từ tình hình thủy văn thuận lợi, những doanh nghiệp báo lãi tăng cao đa phần là nhờ trong kỳ lưu lượng nước về nhiều nên sản lượng cao dẫn đến doanh thu và lợi nhuận đột biến so với cùng kỳ năm trước.
Thác Bà (TBC) là doanh nghiệp có mức tăng trưởng về doanh thu mạnh nhất, tính riêng quý 3, doanh thu thuần đạt 159,5 tỷ đồng, gấp 3 lần quý 3 năm ngoái. Thủy điện Thác Bà có giải trình, doanh thu quý 3 tăng do tình hình thủy văn thuận lợi, lưu lượng nước về hồ tăng 70% so với cùng kỳ dẫn đến sản lượng điện thương phẩm tăng 64% so với quý 3/2019, tương ứng tăng 43,5 triệu kWh.
Trường Thành Group (TTA) báo lãi sau thuế tăng gần 74% so với quí III/2019, đạt 61,7 tỉ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Trường Thành Group ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế là 315,3 tỉ đồng và 103,8 tỉ đồng, tăng lần lượt 73,9% và 53,8% so với cùng kì năm 2019.
Sông Ba (SBA) cũng có mức tăng doanh thu ấn tượng khi đạt 73,4 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý 3/2020, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước và toàn bộ đến từ mảng bán điện. Tiếp đó Thuỷ điện A Vương (AVC) báo doanh thu đạt 151 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ do trong kỳ lưu lượng nước về nhiều nên sản lượng cao dẫn đến doanh thu tăng cao so với cùng kỳ. Hàng loạt doanh nghiệp thủy điện khác như Miền Trung, Nước Trong, Quế Phong, Bắc Hà, Điện Miền Trung, Nậm Mu, Sử Pán 2 và Sông Ba Hạ cũng ghi nhận mức tăng doanh thu 2 con số từ 11% đến 64%
Tuy nhiên điều này chỉ xảy ra với các doanh nghiệp thủy điện ở khu vực phía Bắc, ở các khu vực khác đặc biệt khu vực Tây Nguyên nước trong các hồ vẫn trong tình trạng thiếu hụt, trong khi các doanh nghiệp thủy điện đồng loạt báo doanh thu và lợi nhuận tăng cao thì ông lớn ngành thủy điện là Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (DNH) mặc dù vẫn có mức doanh thu dẫn đầu toàn ngành với 558 tỷ đồng nhưng lại đi ngược với tình hình chung của ngành khi sụt giảm 28,5% so với cùng kỳ. Có tới 8 doanh nghiệp công bố mức doanh thu sụt giảm so với cùng kỳ trong đó giảm mạnh nhất là thủy điện Miền Nam (SHP), tiếp đó là Thuỷ điện Sê San 4A (S4A) có doanh thu giảm phân nửa xuống còn 49 tỷ đồng trong quý 3. Thủy điện Cần Đơn (SJC) cũng có biết điều kiện thời tiết trong kỳ không thuận lợi, mưa ít, hạn hán kéo dài nên việc chạy máy bị gián đoạn, sản lượng điện kém hơn cùng kỳ khiến doanh thu thấp. Ngoài ra các doanh nghiệp thủy điện Hương Sơn; Hủa Na, Điện Lực 3, Srok Phú Miềng IDICO cũng công bố mức doanh thu sụt giảm.
Xét về lợi nhuận, mặc dù vẫn giữ mức lợi nhuận cao nhất trong ngành tuy nhiên lợi nhuận quý 3/2020 của DNH chỉ còn hơn 231 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với số lãi 452,5 tỷ đồng đạt được quý 3 năm ngoái, trong đó lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ đạt hơn 231 tỷ đồng.
Trường Thành Group (TTA) co doanh thu tăng trưởng mạnh trong khi giá vốn hàng bán chỉ tăng 40,7% so với cùng kì nên đã đạt lãi sau thuế tăng gần 74% so với quí III/2019, đạt 61,7 tỉ đồng. Sự khởi sắc về lợi nhuận trong quí III của Trường Thành Group đến từ hai yếu tố, diễn biến thời tiết thuận lợi cho việc phát điện các nhà máy thủy điện, thứ hai là Doanh nghiệp này còn có lợi nhuận khác cũng được tối ưu từ sản lượng điện mặt trời tăng do giải tỏa công suất phát điện khu vực tỉnh Ninh Thuận.
Cùng với mức tăng cao về doanh thu, Sông Ba (SBA) là doanh nghiệp thủy điện có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất, riêng quý 3 SBA lãi 32 tỷ đồng gấp hơn 6 lần cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đó thủy điện A Vương (AVC) báo lãi sau thuế tăng gấp 4,5 lần lên mức 73 tỷ đồng nhờ lưu lượng nước về nhiều. Thủy điện miền Trung (CHP) sau 2 quý đầu năm kinh doanh thua lỗ đã có lãi cao trở lại đạt gần 59 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái thua lỗ. Bên cạnh đó còn có một loạt doanh nghiệp thủy điện khác như Thác Bà, công ty mẹ Quế Phong, Bắc Hà, công ty mẹ Điện Miền Trung, Điện Lực 3, Sử Pán 2, Sông Ba Hạ cũng đều có mức lãi tăng trưởng từ 2 – 3 con số so với cùng kỳ nhờ điều kiện thủy văn thuận lợi.
Ở chiều ngược lại thủy điện Nước Trong (NTH) và thủy điện miền Nam (SHP) là 2 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ trong kỳ, trong đó đáng chú ý là khoản lỗ 2 tỷ đồng của SHP trong khi cùng kỳ có lãi tới 129 tỷ đồng, nguyên nhân thua lỗ là do giá bán điện quý 3 giảm đồng thời nhà máy Đam’bri ngừng vận hành để sửa chữa, khắc phục nên chi phí sửa chữa tăng. Nước Trong (NTH) mặc dù báo lỗ nhưng khoản lỗ này lại thấp hơn cùng kỳ và trước đó trong 2 quý đầu năm doanh nghiệp này kinh doanh tốt nên bức tranh 9 tháng vẫn khả quan hơn so với SHP.
Mặc dù không thua lỗ nhưng Cần Đơn, Srok Phú Miềng IDICO, Hương Sơn, Hủa Na, Sê San 4A và Thác Mơ đều có mức lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ trong đó Hủa Na (HNA) mặc dù báo lãi sụt giảm 57,7% so với cùng kỳ tuy nhiên đây vẫn là con số lãi rất khả quan bởi trước đó trong 2 quý đầu năm do diễn biến thời tiết bất thường, hạn hán xảy ra trên diện rộng khiến HNA lỗ 6 tháng gần 100 tỷ đồng. Thủy điện Cần Đơn (SJC) do điều kiện thời tiết không thuận lợi, mưa ít, hạn hán kéo dài nên lãi sau thuế 44,5 tỷ đồng; giảm 38% so với cùng kỳ năm trước. Cũng với lý do thời tiết không thuận lợi, Thủy điện Sê San 4A (S4A) lãi sau thuế giảm từ 39,8 tỷ xuống 15,9 tỷ đồng.