Triển vọng hút FDI của năng lượng tái tạo Việt Nam
Việt Nam là một trong 10 quốc gia dẫn đầu thế giới đầu tư vào nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo. Với những cam kết mạnh mẽ tại COP26, Chính phủ Việt Nam sẽ tạo môi trường thuận lợi nhất nhằm thu hút vốn đầu tư vào ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo.
Trong thời kỳ hậu Covid-19, với nhu cầu sử dụng năng lượng phục vụ cho sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, khối FDI tại Việt Nam rất quan tâm trong việc tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển liên quan đến tái cơ cấu quản lý, sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường, nhằm tối ưu hóa chi phí sản xuất. Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia dẫn đầu thế giới đầu tư vào nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời). Với tăng trưởng kinh tế dự kiến khoảng 7% hàng năm, nhu cầu năng lượng điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội sẽ vẫn duy trì ở mức cao. Nhu cầu điện dự báo vẫn tăng khoảng 10% trong thập kỷ tới, do đó việc đảm bảo phát triển đầy đủ và kịp thời hạ tầng cơ sở hệ thống năng lượng là một thách thức hàng đầu.
Các chuyên gia đánh giá, khí hậu và địa hình của Việt Nam khiến năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, có triển vọng đầu tư đáng kể. Nguồn tài nguyên gió rộng lớn của Việt Nam là nhờ vào hình dạng địa lý dài và hẹp của đất nước với hơn 3.000 km đường bờ biển, bao gồm cả đồi và núi. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hơn 39% khu vực ở Việt Nam có tốc độ gió lớn hơn 6 mét/giây (m/s), tương đương công suất 512 GW. Việt Nam có tiềm năng lớn, với 8,6% diện tích đất, nước thích hợp cho các trang trại điện gió lớn. Qua khảo sát, đánh giá nguồn năng lượng tái tạo có khả năng khai thác và sử dụng ở Việt Nam, tỉnh Gia Lai là khu vực có thể phát triển các dự án điện mặt trời, quy mô công suất có thể đạt khoảng 7.500 MW, và các dự án điện gió với quy mô công suất có thể đạt khoảng 11.950 MW. Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 176 dự án điện mặt trời, điện gió được các nhà đầu tư quan tâm đăng ký với quy mô 24.300 MWp, dự kiến vốn đầu tư trên 720.000 tỷ đồng.
Nhiều chuyên gia đồng tình cho rằng, nguồn năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng sạch và vô hạn, việc phát triển năng lượng tái tạo đang là xu thế và sẽ dần thay thế nhiên liệu hóa thạch trong tương lai. Nguồn năng lượng này mang lại rất nhiều lợi ích như giảm thải lượng khí carbon và các loại ô nhiễm khác. Việt Nam có đủ nguồn năng lượng tái tạo để xây dựng ngành điện quốc gia theo kịch bản phát triển năng lượng bền vững.
Theo ông Chandan Singh – Giám đốc điều hành Công ty Hitachi Enery Việt Nam, tại Việt Nam, trong những năm gần đây, năng lượng tái tạo đang phát triển rất nhanh, tuy nhiên vấn đề lưới điện vẫn chưa đáp ứng được tiềm năng và nhu cầu phát triển của năng lượng tái tạo. Với thực trạng hạ tầng và sự phát triển năng lượng tái tạo như hiện nay, giải pháp cấp bách trong xây dựng hạ tầng lưới điện để giải tỏa năng lượng tái tạo là điều cốt yếu.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Nguyễn Hồng Diên, khẳng định, Việt Nam tiếp tục tạo môi trường thuận lợi nhất nhằm thu hút vốn đầu tư của toàn xã hội, của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào ngành năng lượng. Khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là định hướng nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong phát triển ngành năng lượng. Mục tiêu mà Bộ Công Thương hướng tới là tập trung chia sẻ những thông tin về định hướng và kinh nghiệm phát triển của phía Đức. Vì Luật Năng lượng tái tạo của Đức đã đưa ra những mục tiêu rất lớn để phát triển nguồn năng lượng này và trong quá trình phát triển đó, phía Đức sẽ có nhiều kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học hỏi.
Hiện nay, Việt Nam đang xem xét để sửa đổi Luật Điện lực và các nội dung về năng lượng tái tạo sẽ được tích hợp trong Bộ luật này. Bộ Công Thương cũng bày tỏ hi vọng việc Luật Điện lực sẽ sớm được Quốc hội Việt Nam thông qua để sau đó, Việt Nam sẽ có được nhiều hơn các cơ sở pháp lý để xây dựng các chương trình phát triển năng lượng tái tạo.
Số liệu thống kê từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến hết năm 2021 cho thấy, tổng công suất lắp đặt các nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam ước đạt khoảng 22.300 MW, chiếm khoảng 28% công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia.