Trung Quốc đặt mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng điện gió và mặt trời vào năm 2025
Trong một tài liệu được công bố vào hôm 1/6 về “kế hoạch 5 năm mới”, các nhà hoạch định kinh tế của Trung Quốc cho biết 33% nguồn cung cấp cho lưới điện quốc gia sẽ đến từ năng lượng tái tạo vào năm 2025, tăng từ 29% vào năm 2020. Theo kế hoạch này, “Vào năm 2025, sản lượng điện hàng năm từ năng lượng tái tạo sẽ đạt khoảng 3,3 nghìn tỷ kilowatt giờ, trong đó sản lượng điện gió và điện mặt trời sẽ tăng gấp đôi”. Quốc gia phát thải lớn nhất thế giới đặt mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng điện gió và mặt trời vào năm 2025 để chống biến đổi khí hậu.
Trung Quốc hiện là nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất nhưng cũng là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất vì là “công xưởng của thế giới”. Nước này đã tăng tốc đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời và gió để giải quyết vấn đề ô nhiễm, đồng thời cam kết đạt đỉnh phát thải vào năm 2030 và tiến tới trung hòa carbon vào năm 2060. Dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc cho thấy vốn đầu tư vào năng lượng mặt trời đã tăng gần gấp ba lần trong 4 tháng đầu năm 2022, lên 29 tỷ nhân dân tệ (4,3 tỷ USD), so với mức đầu tư từ tháng 1 đến tháng 4 của năm trước.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đồng thời tăng cường sự phụ thuộc vào các nhà máy điện than trong những tháng gần đây để đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine đẩy giá năng lượng toàn cầu lên cao. Vào tháng 3, các nhà chức trách đã yêu cầu các thợ mỏ đào thêm 300 triệu tấn than trong năm nay. Tập đoàn Lưới điện Quốc gia Trung Quốc cho biết nước này dự kiến bắt đầu cắt giảm tiêu thụ than từ năm 2026.
Bên cạnh đó, một hệ thống giám sát quang điện có thể phản hồi sự cố trong một phần nghìn giây hôm 15/6 được đưa vào hoạt động ở Cam Túc. Hệ thống do Tập đoàn Huaneng của Trung Quốc phát triển được lắp đặt tại trại quang điện Xipo ở thành phố Kim Xương, tỉnh Cam Túc. Nó được thiết kế để theo dõi 24/24 tình trạng sức khỏe của thiết bị phát điện mặt trời trong thời gian thực, nhằm đảm bảo lưới điện vận hành an toàn và ổn định. Dựa trên nền tảng kỹ thuật số và chẩn đoán thông minh, hệ thống giám sát toàn cảnh có thể phản hồi sự cố hỏng hóc đột ngột trong một phần nghìn giây, giúp kiểm soát chính xác và linh hoạt nhà máy điện trong trường hợp khẩn cấp. Cam Túc hiện đứng đầu Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng năng lượng mới. Công suất điện tái tạo đã đạt 31,55 triệu kilowatt, chiếm gần một nửa tổng công suất lắp đặt năng lượng của tỉnh. Mức tiêu thụ năng lượng mới tích lũy hiện nay là 197,8 tỷ kWh.
Trung Quốc đang đẩy mạnh năng lượng tái tạo để hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.