Chính sách và giải pháp của Bộ Công thương đối với Năng lượng tái tạo
Bộ Công Thương đề xuất 6 giải pháp gỡ khó cho các dự án năng lượng tái tạo
Chiều 12/12/2024, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo, với các nội dung: về các sai phạm, vướng mắc; về quan điểm, giải pháp, nguyên tắc, thẩm quyền, giải quyết…
KHÔNG HỢP PHÁP HÓA ĐỂ MIỄN TRỪ XỬ LÝ CHO HÀNH VI THAM NHŨNG, XỬ LÝ HÌNH SỰ LÀ BIỆN PHÁP CUỐI CÙNG
Theo báo cáo tại hội nghị, đến hết năm 2023, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) trong hệ thống điện là 21.664 MW, chiếm khoảng 27%; sản lượng điện phát của nguồn điện (gió, mặt trời mặt đất, mặt trời mái nhà) khoảng 27.317 triệu kWh, chiếm tỷ trọng khoảng 12,75% hệ thống điện.
Đánh giá lại về tình hình triển khai Dự án điện năng lượng tái tạo thời gian qua, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương, cho biết thực hiện chủ trương phát triển năng lượng tái tạo là giải pháp mới, chưa có tiền lệ, thiếu kinh nghiệm, hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh nên quá trình triển khai còn phát sinh một số sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận cụ thể tại Kết luận số 1027.
Các sai phạm chủ yếu như: Hưởng cơ chế giá khuyến khích không đúng đối tượng; Công nhận ngày vận hành thương mại và hưởng giá FIT khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấp thuận; Chồng lấn quy hoạch khoáng sản…
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ Công Thương sẽ tuân thủ 6 quan điểm.
Thứ nhất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo để không lãng phí nguồn lực đã đầu tư, góp phần thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, Quy hoạch điện 8, cam kết của Việt Nam tại COP 26, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các nguồn lực bên ngoài.
Thứ hai, lựa chọn phương án xử lý tối ưu trên cơ sở phân tích, đánh giá, so sánh lợi ích về kinh tế – xã hội và hạn chế tối đa tranh chấp, khiếu kiện, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư; đảm bảo an ninh trật tự, an ninh năng lượng quốc và hài hòa lợi ích nhà nước – nhà đầu tư.
Thứ ba, tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các vụ án đã khởi tố. Trong quá trình tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trường hợp phát hiện vi phạm, tham nhũng thì tiếp tục xử lý nghiêm.
Thứ tư, thống nhất quan điểm xử lý hình sự là biện pháp cuối cùng khi không thể xử lý các vi phạm, vướng mắc bằng các giải pháp kinh tế; nếu pháp luật hiện hành có thay đổi, không gây ra hậu quả hoặc không phát hiện hành vi tham nhũng thì không xử lý hình sự.
Thứ năm, không hợp pháp hóa để miễn trừ xử lý cho các hành vi tham nhũng, các hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức đã gây ra thiệt hại. Không làm phát sinh sai phạm mới. Không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong quá trình tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án. Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án được coi là hợp pháp khi được cấp có thẩm quyền đồng ý.
Thứ sáu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên theo quy định pháp luật.
THU LẠI GIÁ FIT NẾU DỰ ÁN KHÔNG ĐÁP ỨNG ĐIỀU KIỆN
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất 6 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo.
Một là, cho phép bổ sung quy hoạch để triển khai thực hiện trong trường hợp dự án không có nội dung vi phạm các quy định liên quan đến an ninh quốc phòng, quy hoạch các công trình, dự án trọng điểm quốc gia.
Hai là, đối với các dự án có sai phạm về quy trình, thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng công trình thì cho phép hoàn thiện theo quy định của pháp luật.
Ba là, đối với các dự án vi phạm các quy hoạch về khoáng sản, thủy lợi, quốc phòng… thì thực hiện đánh giá hiệu quả kinh tế – xã hội giữa việc thực hiện quy hoạch và thực hiện dự án để điều chỉnh quy hoạch bị chồng lấn cho phù hợp hoặc tích hợp và thực hiện đồng thời cả dự án điện năng lượng tái tạo và quy hoạch liên quan (lưỡng dụng quy hoạch).
Bốn là, đối với các dự án đang được hưởng giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) có vi phạm theo Kết luận của cơ quan có thẩm quyền do không đáp ứng đầy đủ các điều kiện được hưởng giá FIT thì phải xác định lại giá mua bán điện theo quy định; thu hồi lại các khoản giá FIT ưu đãi đã được hưởng không đúng thông qua bù trừ thanh toán tiền mua điện.
Năm là, đối với các dự án điện mặt trời mái nhà xây dựng trên đất nông, lâm nghiệp với công suất lớn dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng mà đất chưa phù hợp để làm trang trại thì yêu cầu các chủ đầu tư cần: Thực hiện đầy đủ thủ tục xây dựng, đầu tư trang trại nuôi trồng kết hợp với thực hiện dự án điện năng lượng tái tạo theo quy định của pháp luật; Thực hiện ngay các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo quy định.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền phải xác định vi phạm về đất để làm trang trại thì sẽ xác định lại giá mua bán điện theo quy định; thu hồi lại các khoản giá FIT ưu đãi đã được hưởng không đúng thông qua bù trừ thanh toán tiền mua điện và thực hiện đầy đủ các hoạt động trang trại nuôi trồng theo đúng đăng ký đầu tư ban đầu.
Sáu là, đối với đối tượng bị thu lại giá FIT, cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định về mua bán điện khi cấp có thẩm quyền xác định dự án bị thu hồi giá FIT ưu đãi để làm căn cứ bù trừ thanh toán tiền mua điện.
Việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án dựa trên hai nguyên tắc:
Thứ nhất, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án thuộc thẩm quyền của cơ quan, cấp ngành, địa phương nào thì cơ quan cấp, ngành địa phương đó giải quyết; nếu vượt thẩm quyền báo cáo cấp cao hơn, có thẩm quyền.
Thứ hai, đối với các dự án đã bị khởi tố, chỉ thực hiện việc xử lý, khắc phục các vi phạm sau khi đã có bản án có hiệu lực theo quy định của pháp luật.
Trước các đề xuất về quan điểm, giải pháp Bộ Công Thương đưa ra, các đại biểu tại hội nghị thống nhất cao các chủ trương, giải pháp, mong muốn quá trình triển khai tiếp tục được hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc một cách kịp thời.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng Bộ Công Thương thừa nhận chủ trương phát triển năng lượng tái tạo là giải pháp mới, chưa có tiền lệ, thiếu kinh nghiệm, hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh nên quá trình triển khai còn phát sinh một số sai phạm.
Điều này đồng nghĩa với việc sai sót không tránh khỏi có thể đến từ cả 2 phía: xây dựng và thực thi chính sách, nhưng kết luận thanh tra lại chỉ ra những sai phạm của doanh nghiệp. Nguy cơ các giải pháp khắc phục sẽ không gỡ được triệt để những vướng mắc trong triển khai dự án điện năng lượng tái tạo là rất cao.
Vì thế, cần một giải pháp căn cơ lâu dài hơn đó là chỉnh sửa lại chính sách hiện hành để vẫn có thể ngăn chặn hạn chế vi phạm, nhưng vẫn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển loại hình năng lượng sạch.
Đề xuất nhiều chính sách ưu đãi phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới
Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới.
Ưu đãi, hỗ trợ dự án nguồn điện mặt trời, điện gió có hệ thống lưu trữ điện
Tại dự thảo, Bộ Công Thương đề xuất chính sách ưu đãi, hỗ trợ dự án nguồn điện mặt trời và điện gió có hệ thống lưu trữ điện.
Theo dự thảo, dự án nguồn điện mặt trời và điện gió có hệ thống lưu trữ điện và có đấu nối với hệ thống điện quốc gia được hưởng cơ chế ưu đãi sau:
– Ưu tiên huy động nguồn điện theo quy định hiện hành về hệ thống điện và thị trường điện.
– Hệ thống lưu trữ điện của dự án điện từ nguồn điện mặt trời và điện gió là hàng hóa, sản phẩm được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế theo quy định pháp luật.
– Cơ chế ưu đãi khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Ưu tiên, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển phù hợp công nghệ điện gió, điện mặt trời
Bên cạnh đó, dự thảo đề xuất quy định chính sách ưu tiên, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển phù hợp công nghệ điện gió, điện mặt trời.
Cụ thể: Việc nghiên cứu, phát triển công nghệ trong lĩnh vực điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam được khuyến khích và hỗ trợ phát triển theo quy định tại Điều 8 Luật Điện lực và quy định pháp luật có liên quan.
Nhà nước ưu tiên thực hiện các chương trình nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất tấm quang năng, tua bin điện gió, thiết bị chuyển đổi nguồn điện.
Chính sách ưu tiên, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều kiện áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển điện năng lượng mới
Dự thảo nêu rõ, dự án điện năng lượng mới được hưởng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Điện lực đáp ứng các điều kiện sau: a- Dự án điện năng lượng được sản xuất từ 100% hydrogen xanh hoặc 100% amoniac xanh hoặc 100% hỗn hợp của hai nguồn này; b- Dự án cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia; c- Dự án đầu tiên cho từng loại hình điện năng lượng mới.
Dự án nêu trên là dự án năng lượng sạch thuộc danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư, ngoài cơ chế, chính sách ưu đãi theo pháp luật về đầu tư, được hưởng các cơ chế ưu đãi sau:
Miễn tiền sử dụng khu vực biển trong thời gian xây dựng. Giảm 50% tiền sử dụng khu vực biển trong thời hạn 09 năm kể từ khi đưa vào vận hành.
Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian xây dựng. Sau thời gian xây dựng việc miễn, giảm được thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư và đất đai.
Sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn là 80% trong thời hạn trả nợ gốc vốn vay nhưng không quá 12 năm đối với dự án bán điện lên hệ thống điện quốc gia.
Nguồn: https://vneconomy.vn/bo-cong-thuong-de-xuat-6-giai-phap-go-kho-cho-cac-du-an-nang-luong-tai-tao.htm