“Điểm mặt” các nhà máy điện mặt trời lớn tại Ninh Thuận
Được xem là một trong những địa phương sở hữu nhiều dự án nhà máy điện mặt trời nhất Việt Nam – Ninh Thuận đang có hàng loạt dự án điện mặt trời “khủng”, với tiềm năng phát triển bậc nhất khu vực Nam miền Trung.
Được biết Ninh Thuận là địa phương có tốc độ gió lớn nhất cả nước, trung bình 7,1m/s ở độ cao 65m; số giờ nắng trung bình cả năm 2.600 – 2.850 giờ; tổng lượng nhiệt 9.500 đến 10.000 độ C; lượng bức xạ mặt trời lớn trên 230 Kcal/Cm2.
Ninh Thuận cũng là địa phương ít chịu ảnh hưởng của mưa bão nên rất lý tưởng thu hút đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo. Vì vậy, tỉnh xác định phát triển năng lượng tái tạo là một trong sáu nhóm ngành trụ cột, trọng tâm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế.
Trang trại điện mặt trời hồ Bầu Ngứ của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành
Giờ đây, Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước thì một “cú hích” cho ngành năng lượng tái tạo đang được đầu tư xây dựng tại địa phương này đã đưa vào vận hành thương mại chính thức, bao gồm:
+ Nhà máy điện mặt trời CMX Renewable Việt Nam của Công ty Cổ phần Điện mặt trời Re Sun Seap Việt Nam: Với công suất 168MWp, vốn đầu tư 4.398 tỷ đồng. Đã khởi công xây dựng từ tháng 7/2018, dự kiến hoàn thành xây dựng và thử nghiệm vào tháng 4/2019; phát điện thương mại vào 5/2019 tại xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận).
+ Dự án Nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn của Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng Xây dựng Thương mại Hoàng Sơn: công suất 50 MW, diện tích chiếm đất 80 ha, tổng vốn 1.362 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện theo quy định: Khởi công tháng 5/2018 và đưa vào vận hành trong tháng 12/2018. Dự án cũng được đặt tại xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn.
+ Dự án Nhà máy điện mặt trời BP Solar 1 của Công ty Cổ phần BP Solar: công suất 46MWp, diện tích chiếm đất 62,26 ha, tổng vốn 1.200 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện: Khởi công tháng 5/2018 và đưa vào vận hành trong tháng 6/2019, tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước.
+ Trang trại điện mặt trời SP – Infra Ninh Thuận của Công ty TNHH Năng lượng Surya Prakash Việt Nam: công suất 50 MW, diện tích chiếm đất 58,7 ha, tổng vốn 1.633 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện: Khởi công tháng 4/2018 và đưa vào vận hành trong tháng 10/2018. Được xây dựng tại xã Phước Vinh, Ninh Phước.
+ Dự án Trang trại điện mặt trời hồ Bầu Ngứ của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành: công suất 50 MW, diện tích chiếm đất 75 ha, tổng vốn 1.150 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện: Khởi công tháng 1/2018 và đưa vào vận hành trong tháng 12/2018, tại xã Phước Dinh, Ninh Phước.
+ Dự án Nhà máy điện mặt trời Thuận Nam 19 của Công ty cổ phần Tasco Năng lượng: công suất 49MW; diện tích chiếm đất khoảng 73,5 ha; tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện: Khởi công tháng 4/2018, vận hành và bán điện thương mại trong tháng 5/2019. Xây dựng tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam.
Ngoài các dự án đã đi vào hoạt động, Ninh Thuận còn có 1 số lượng lớn dự án điện mặt trời đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương khảo sát; trong đó 24 dự án được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đồng ý bổ sung quy hoạch điện lực, với tổng công suất 1.603 MWp.