Điện mặt trời nổi: giải pháp đầy hứa hẹn, giúp phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo
Mặc dù năng lượng mặt trời nói chung đã trở thành nguồn điện rẻ nhất trên toàn cầu, nhưng nó lại rất thiếu diện tích lắp đặt. Một trang trại năng lượng mặt trời có thể chiếm diện tích đất gấp 20 lần so với một nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất một gigawatt điện. Theo Reuters, điều thú vị ở các trang trại điện mặt trời nổi trên các hồ chứa là có thể tận dụng những đường dây sẵn có nối với lưới điện, không tốn diện tích trên mặt đất, có khả năng làm mát hệ thống, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí, và các sinh vật dưới mặt nước không bị ảnh hưởng đáng kể nào.
Hoa Kỳ là quốc gia đang thúc đẩy những nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo, và mới nhất là hệ thống điện mặt trời nổi do quân đội phát triển trên hồ Big Muddy tại căn cứ quân sự Fort Bragg, bang Bắc Carolina. Đây được đánh giá là hệ thống điện mặt trời nổi lớn nhất ở Đông Nam nước Mỹ, dự án trên có khả năng sản xuất 1,1 MW điện. Dự án nằm trong khuôn khổ chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu của quân đội Mỹ, vừa cung cấp năng lượng sạch cho lưới điện địa phương vừa giúp giảm phát thải khí nhà kính. Quân đội Mỹ cho biết mục tiêu của họ là tăng cường những nguồn năng lượng sạch, giảm phát thải khí nhà kính và cung cấp cho cơ sở đào tạo gần đó một nguồn năng lượng dự phòng trong thời gian mất điện. Các tấm pin sẽ có thể tạo ra khoảng một megawatt điện, thường có thể cung cấp điện cho khoảng 190 ngôi nhà. Việc lắp đặt này là một chiến thắng lớn cho mảng công nghệ nổi “floatovoltaics”, một mảng hiện vẫn chưa gây được tiếng vang lớn ở Mỹ. Theo Duke Energy, công ty này đã hợp tác với Fort Bragg và công ty năng lượng tái tạo Ameresco trong dự án này. Bộ Quốc phòng Mỹ là một trong những cơ quan gây ô nhiễm lớn nhất hành tinh, với lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính hàng năm nhiều hơn khoảng 140 quốc gia cộng lại. Vì vậy, nhà máy năng lượng mặt trời nổi mới tại Fort Bragg rất cần thiết như một nguồn năng lượng sạch mới. Vào tháng 2, Quân đội Mỹ đã đưa ra “chiến lược khí hậu” của riêng mình để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này.
Nhiều nước cũng đã xây các trang trại điện mặt trời nổi để sản xuất nhiều năng lượng bền vững nhất có thể, trong đó có trang trại do công ty Bồ Đào Nha Energias de Portugal (EDP) xây dựng trên hồ nhân tạo lớn nhất Tây Âu – hồ Alqueva. Gồm 12.000 tấm pin với tổng kích thước bằng 4 sân bóng đá, đây sẽ là trang trại điện mặt trời nổi lớn nhất châu Âu. Trang trại dự kiến bắt đầu hoạt động vào tháng 7 năm nay, sản xuất 7,5 GWh mỗi năm, cung cấp điện cho khoảng 1.500 hộ gia đình. Tháng 11 năm ngoái, Thái Lan xây trang trại điện mặt trời nổi lớn nhất thế giới với 145.000 tấm pin trên đập Sirindhorn, sông Lam Dom Noi. Với tổng mức đầu tư 34 triệu USD, trang trại điện năng lượng mặt trời ở Thái Lan có công suất 45 MW. Singapore đưa vào hoạt động một trang trại điện mặt trời nổi tại hồ chứa Tengeh, rộng bằng 45 sân bóng đá, với công suất tối đa đạt 60 MW. Đây là một trong những trang trại điện mặt trời nổi lớn nhất trên thế giới. Một dự án đáng chú ý khác là trang trại điện mặt trời nổi trên núi đầu tiên trên thế giới tại hồ chứa Lac des Toules ở bang Valais – Thụy Sĩ, với độ cao 1.800 m so với mực nước biển. Trang trại này sản xuất khoảng 800 MWh điện mỗi năm. Ở Hàn Quốc, trang trại điện mặt trời nổi trên đập chứa nước Hapcheon dài 19 km ở huyện Hapcheon, tỉnh Nam Gyeongsang, bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2021. Gồm 92.000 tấm quang năng kết theo hình hoa mận khổng lồ, trang trại có thể sản xuất 41 MW điện/năm, đủ nhu cầu năng lượng cho 20.000 hộ gia đình.