Hội thảo khoa học “Cơ chế, chính sách cho các nhà đầu tư IPP phát triển nguồn điện tại Việt Nam – Những vấn đề đối với nhà đầu tư”
Hôm nay, ngày 18/9/2020, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực, Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học về “Cơ chế, chính sách cho các nhà đầu tư IPP phát triển nguồn điện tại Việt Nam – Những vấn đề đối với nhà đầu tư”. Ông Hoàng Quốc Vượng – Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực chủ trì hội thảo.
ÔNG NGUYỄN NGỌC QUYẾT – BAN TỔ CHỨC HỘI THẢO
Hội thảo khoa học về “Cơ chế, chính sách cho các nhà đầu tư IPP phát triển nguồn điện tại Việt Nam – Những vấn đề đối với nhà đầu tư” xin được bắt đầu.
Ban tổ chức xin trân trọng kính mời:
1/ Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực
2/ Ông Nguyễn Thái Sơn – Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực
3/ Ông Nguyễn Anh Tuấn – Thường trực Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam
Lên vị trí Chủ tịch đoàn Hội thảo.
Xin cảm ơn!
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Giai đoạn 2020 – 2030 sẽ đánh dấu bước quan trọng trong phát triển mạnh quy mô và đa dạng hóa hơn các nguồn điện, nhất là các nguồn điện sạch. Xu thế này sẽ còn tiếp tục thời kỳ sau năm 2030. Đồng thời, vai trò của kinh tế tư nhân tham gia vào thị trường điện, đặc biệt là các dự án thuộc dạng nguồn điện sản xuất độc lập – IPP đã trở nên quan trọng, đáng kể và sẽ ngày càng tăng trong thời gian sắp tới.
Tuy nhiên, sự bất cập của một số văn bản hướng dẫn, thủ tục, quy trình triển khai đầu tư, cũng như thực tế vướng mắc tại địa phương có dự án IPP đang gây ra những khó khăn trong phát triển nguồn điện, ảnh hưởng tới việc mở rộng năng lực đảm bảo cung cấp điện trong thời gian tới ở Việt Nam.
Trước thực tế này, dưới sự chủ trì của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học: “Cơ chế, chính sách cho các nhà đầu tư IPP phát triển nguồn điện tại Việt Nam – Những vấn đề đối với nhà đầu tư” để các nhà đầu tư tư nhân và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực năng lượng (điện gió, điện mặt trời, điện khí, nhiệt điện than, thủy điện) trình bày các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, cũng như các thách thức nảy sinh cụ thể trong phát triển các dự án nguồn điện theo hình thức IPP.
Hội thảo khoa học lần này cũng là dịp để các nhà đầu tư nêu bật hiện trạng, xu thế, thách thức, cơ hội đầu tư phát triển các nguồn điện ở Việt Nam, qua đó đề xuất giải pháp cơ chế, chính sách cụ thể để từ đó tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành tổ chức thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị sớm “đi vào cuộc sống”.
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Chủ tịch đoàn Hội thảo ngày hôm nay, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu:
– Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực
– Ông Nguyễn Thái Sơn – Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực
– Ông Nguyễn Anh Tuấn – Thường trực Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam
Về dự hội thảo ngày hôm nay, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu:
Xin trân trọng giới thiệu các đại biểu đến từ Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Kinh tế Trung ương; Ủy ban Khoa học – Công nghệ – Môi trường Quốc hội; Văn phòng Chính phủ; Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực; các Cục, Vụ, Viện (thuộc Bộ Công Thương); các đại biểu đến từ các bộ: Bộ Xây dựng, Tài nguyên – Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… và Đại sứ quan Phần Lan tại Hà Nội.
Xin trân trọng giới thiệu các vị đại biểu đến từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Sở Công Thương các tỉnh ở miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Xin trân trọng giới thiệu các đại biểu là lãnh đạo đại diện cho các nhà đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, thiết kế, xây lắp, chế tạo và cung cấp vật tư thiết bị năng lượng.
Xin trân trọng giới thiệu các đại biểu đại diện cho các tổ chức tín dụng trong nước và quốc tế: BIDV, VietcomBank, ViettinBank, TechcomBank… và Ngân hàng JIBIC (Nhật Bản) tại Việt Nam.
Xin trân trọng giới thiệu các chuyên gia, nhà khoa học của Tạp chí Năng lượng Việt Nam và các chuyên gia tư vấn độc lập về lĩnh vực năng lượng.
Chúng tôi, xin trân trọng giới thiệu và cảm ơn các cơ quan thông tin đại chúng của đã đến dự, đưa tin về hội thảo ngày hôm nay… Đề nghị chúng ta nhiệt liệt chào mừng!
Xin trân trọng cảm ơn!
Tiếp theo chương trình xin trân trọng kính mời Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực lên phát biểu khai mạc hội thảo.
Xin trân trọng kính mời!
ÔNG HOÀNG QUỐC VƯỢNG – THỨ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG (PHÓ TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA VỀ PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC)
Thực hiện phương châm “điện đi trước một bước”, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của nước ta nhiều thập kỷ qua, ngành điện đã có những bước phát triển nhanh và ngày càng hiện đại, cơ bản đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH của đất nước, đời sống sinh hoạt của nhân dân và góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng. Điện sản xuất đã tăng khoảng 10 lần trong 29 năm, từ năm 1990 đến năm 2019; theo tổng kết của ngành điện, sản lượng điện năm 2019 cao gấp gần 2,4 lần năm 2010 với nhịp tăng trưởng bình quân 10,1%/năm (điện sản xuất năm 2019 đạt 240 tỷ kWh). Tới nay 100% số xã và 99,52% số hộ dân trong cả nước được sử dụng điện; 11/12 huyện đảo đã được ngành điện tiếp nhận và cung cấp điện.
Với những đánh giá khách quan và thận trọng, từ nay đến năm 2030 nhu cầu điện sẽ tăng bình quân khoảng 7,5 – 8%/năm. Theo kết quả sơ bộ của Báo cáo Quy hoạch điện VIII, do Viện Năng lượng nghiên cứu, dự báo nhu cầu sản xuất điện ở kịch bản cơ sở đến năm 2030 khoảng trên 526 tỷ kWh, tương ứng với công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống là 131.000 MW. Với quy mô tổng công suất nguồn điện năm 2019 khoảng 55.900 MW, từ nay đến năm 2030 sẽ cần xây dựng thêm 75.100 MW nguồn điện, trung bình mỗi năm 7.500 MW.
Điều đáng ghi nhận là trong vòng 2 thập kỷ qua, từ lúc ban đầu hầu như các nhà máy điện đều do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, chủ yếu là EVN xây dựng và vận hành, quy mô và tỷ trọng của các nhà đầu tư tư nhân đã ngày càng lớn lên. Đến cuối năm 2019, trong cơ cấu nguồn điện cả nước đã có công suất 19.253 MW thuộc khối tư nhân (bao gồm cả các nhà máy điện thuộc dạng IPP và BOT), chiếm tới 34,4%. 2 năm vừa qua cũng đánh dấu sự bùng nổ của các dự án điện mặt trời, điện gió với đại đa số thuộc về các chủ đầu tư tư nhân với tổng công suất lên tới 5.700 MW (chiếm khoảng 10% công suất nguồn điện). Đây là một thông điệp rõ ràng về chủ trương đúng đắn của Nhà nước trong huy động mọi nguồn lực xã hội vào sản xuất kinh doanh điện, và chúng ta cũng đáng mừng về điều này. Như trên đã nêu, từ nay đến năm 2030 mỗi năm chúng ta cần trung bình khoảng 7.500 MW công suất nguồn điện mới, với nhu cầu vốn đầu tư khoảng 7 – 8 tỷ USD/năm, chứng tỏ thị trường đầu tư, sản xuất kinh doanh trong ngành điện là thực sự tiềm năng lớn.
Thưa các quý vị,
Tiếp nối các chủ trương về huy động khối tư nhân tham gia ngành năng lượng, ngày 11 tháng 2 năm 2020 Nghị quyết 55 của bộ Chính trị TW Đảng đã nêu trong quan điểm định hướng chiến lược, cũng như nhiệm vụ phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 là: “Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng”.
Có thể nói cả về chính sách khuyến khích của nhà nước, các cơ hội của thị trường và sự quan tâm ngày càng lớn, sự hành động ngày càng tích cực, năng động của các nhà đầu tư tư nhân đang là nguồn lực lớn cho phát triển ngành năng lượng / điện lực trong tương lai.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, thường xuất hiện các khó khăn, vướng mắc, các thách thức về một số mặt như: sự bất cập, chưa theo kịp thực tế của các hướng dẫn và các quy định pháp luật; hạ tầng cơ sở hệ thống lưới điện còn yếu, chưa sẵn sàng để một sớm một chiều tiếp nhận và truyền tải cho dự án nguồn điện với quy mô lớn; sự thiếu đồng bộ phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương trong công tác hỗ trợ nhà đầu tư (đền bù đất đai, giải tỏa mặt bằng…); tác động lớn của dịch bện Covid-19 hiện nay đến triển khai đầu tư – xây dựng dự án… các khó khăn thách thức đó tác động, ảnh hưởng đến mọi nhà đầu tư, kể cả thuộc khối nhà nước lẫn khối tư nhân trong và ngoài nước.
Trước thực tế này, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học về “Cơ chế, chính sách cho các nhà đầu tư IPP phát triển nguồn điện tại Việt Nam – Những vấn đề đối với nhà đầu tư” để các nhà đầu tư tư nhân và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực đầu tư dự án nguồn điện độc lập (IPP) trình bày, chia sẻ các thuận lợi chủ yếu, các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và khi triển khai thực tế tại địa phương trong phát triển các dự án nguồn điện theo hình thức IPP. Xin cảm ơn Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực, Tạp chí Năng lượng Việt Nam và các đơn vị khác đã tổ chức sự kiện này, và xin cảm ơn vì sự hiện diện, đóng góp của một số sở công Thương các địa phương, cũng như nhiều nhà đầu tư IPP trong và ngoài nước.
Thưa các vị khách quý, thưa Hội thảo,
Chúng tôi mong rằng trong Hội thảo hôm nay, chúng ta sẽ nêu bật được các tâm tư, các quan ngại, các tình huống khó khăn vướng mắc cụ thể trong quá trình triển khai đầu tư các dự án IPP hiện nay, từ đó có thể rút ra một số kiến nghị và giải pháp thực tế, hiệu quả để chúng tôi, Ban KTTW và Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực có thể tổng hợp và phản ánh với cơ quan thẩm quyền nhằm sớm nhất có các chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn.
Chúng ta đều biết, đầu tư kinh doanh trong ngành điện lực/ năng lượng thuộc loại cần vốn đầu tư lớn, thời gian triển khai dài, và thời gian thu hồi vốn chậm hơn nhiều ngành nghề khác. Các nhà đầu tư trong lĩnh vực này thường là những doanh nghiệp giàu kinh nghiệm, có tiềm lực và thực sự “dũng cảm”, và các nhà đầu tư ở đây, cũng như cá nhân tôi đều có niềm tin về thế chế nhất quán, vững chắc trong sự hỗ trợ của chính sách và pháp luật Nhà nước về khuyến khích tư nhân tham gia phát triển ngành điện.
Xin chúc Hội thảo có những ý kiến, thảo luận hiệu quả và thành công tốt đẹp.
Trân trọng cảm ơn!
Tiếp theo là phần trình bày các tham luận của các nhà đầu tư IPP, nhà quản lý, chuyên gia…:
ÔNG HOÀNG TIẾN DŨNG – CỤC TRƯỞNG CỤC ĐIỆN LỰC VÀ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO (BỘ CÔNG THƯƠNG)
Nội dung bài tham luận của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), tại đây.
ÔNG HOÀNG TRỌNG HIẾU – VĂN PHÒNG BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA VỀ PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC
Nội dung bài tham luận của Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, tại đây.
ÔNG IAN NGUYỄN – TỔNG GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH DOE.
ÔNG NGÔ QUỐC HỘI – TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CP NHIỆT ĐIỆN AN KHÁNH
Nội dung bài tham luận của Công ty CP Nhiệt điện An Khánh – Bắc Giang, tại đây.
ÔNG PHẠM MINH THÀNH – GIÁM ĐỐC PTKD – ĐÔNG NAM Á, GIÁM ĐỐC QUỐC GIA VIỆT NAM WARTSILA
Nội dung bài tham luận của Công ty Wärtsilä Corporation (Finland), tại đây.
ÔNG MIURA – TỔNG GIÁM ĐỐC MARUBENI
Nội dung bài tham luận của Công ty TNHH Marubeni Asian Power Việt Nam, tại đây.
ÔNG SUPA WAISAYARAT – GIÁM ĐỐC KHU VỰC SUPER ENERGY
Nội dung bài tham luận của Tập đoàn Super Energy Việt Nam, tại đây.
ÔNG ĐỖ HOÀI PHƯƠNG – GIÁM ĐỐC KINH DOANH GOODWE TẠI VIỆT NAM
Nội dung bài tham luận của Công ty TNHH Jiangsu GoodWe Power Supply Technology (GoodWe), tại đây.
ÔNG. AGUIN TORU – TRƯỞNG ĐẠI DIỆN JIBIC TẠI HÀ NỘI
Nội dung bài tham luận của Ngân hàng JIBIC (Nhật Bản) tại Việt Nam, tại đây.
ÔNG DƯƠNG QUANG THÀNH – CHỦ TỊCH HĐTV TẬP ĐOÀN ĐIỆN LỰC VIỆT NAM
ÔNG ĐẶNG HUY ĐÔNG – NGUYÊN THỨ TRƯỞNG BỘ KHẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
Kết luận hội thảo:
ÔNG HOÀNG QUỐC VƯỢNG – THỨ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG (PHÓ TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA VỀ PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC)
Xin được khẳng định lại lần nữa là: Đảng và Nhà nước có quan điểm và định hướng, mục tiêu nhất quán về khuyến khích mọi nguồn lực từ các nhà đầu tư tư nhân trong và nước ngoài theo các hình thức đầu tư trực tiếp, liên doanh, hay hợp tác công tư (PPP),… tham gia phát triển các dự án điện độc lập IPP, sản xuất kinh doanh trong thị trường điện Việt Nam hiện nay và trong tương lai.
Qua một nửa ngày làm việc hiệu quả, khẩn trương, hội thảo đã có nhiều tham luận, thảo luận cởi mở về các cơ hội, các thách thức, vướng mắc trong quá trình đầu tư các dự án IPP hiện nay.
Ban CĐQGPTĐL, Bộ Công Thương cũng như các bộ ngành liên quan đang khẩn trương cập nhật tình hình, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, các đề xuất với cấp thẩm quyền để ban hành các quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển các dự án IPP. Tuy nhiên, với áp lực nhu cầu điện tăng nhanh, khối lượng các dự án lớn, nhiều vấn đề cấp bách nảy sinh nên đôi lúc thủ tục chuẩn bị và ra văn bản quy định còn chậm hơn tốc độ phát triển trong thực tế một chút. Trên cơ sở tiếp nhận các ý kiến đóng góp, phản hồi hôm nay về các mặt:
1/ Các văn bản quy định và hướng dẫn cần được sớm ban hành để tháo gỡ các vướng mắc trong bổ sung quy hoạch, thẩm định và phê duyệt các dự án IPP;
2/ Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền các địa phương trong đẩy nhanh các thủ tục cấp phép, giao đất, giải phóng mặt bằng, đền bù … tại các dự án điện nói chung và các dự án IPP nói riêng;
3/ Cần thiết đẩy nhanh hơn tiến độ xây dựng, nâng cấp hạ tầng lưới điện; các quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của ngành Điện và các chủ đầu tư khi đấu nối vào hệ thống điện;
4/ Các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn, giảm thiểu tác hại tới môi trường cũng cần sớm được nghiên cứu để ban hành để đẩy nhanh quá trình đầu tư xây dựng,…
Thưa các vị khách quý, thưa Hội thảo,
Ban CĐQGPTĐL, Bộ Công Thương sẽ tiếp thu các quan ngại, tâm tư, các đóng góp thiết thực trong Hội thảo hôm nay để có các giải pháp tốt nhất, nhanh nhất đáp ứng nhu cầu thực tế, tháo gỡ các khó khăn cho các dự án IPP. Do thời gian có hạn, có thể còn những ý kiến chưa kịp chia sẻ, thảo luận. Sau Hội thảo này, chúng tôi mong muốn và hoan nghênh các cá nhân và doanh nghiệp IPP tiếp tục có những phản ánh, kiến nghị và gửi cho chúng tôi bằng văn bản, thông qua Ban tổ chức Hội thảo hôm nay, hoặc Văn phòng BCĐQGĐL.
Cuối cùng, thay mặt chủ tọa, tôi xin cảm ơn sự có mặt của tất cả các quý vị. Cảm ơn những chia sẻ, đóng góp hữu ích. Xin chúc tất cả quý vị và gửi tới gia đình quý vị những lời chúc tốt đẹp nhất.
Trân trọng cảm ơn!
THEO PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM