Hút vốn cho năng lượng sạch
Việt Nam sẽ tăng tỉ trọng nguồn điện năng lượng tái tạo (năng lượng sạch) lên 30,9 – 39,2% vào năm 2030. Không chỉ vậy, ngoài điện sạch còn có các dạng năng lượng mới như hydro, amoniac xanh để phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu. Vấn đề lúc này là cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách để hấp dẫn nhà đầu tư cùng những cơ chế khuyến khích phù hợp để điện sạch có giá phù hợp với người dân và có thêm sản lượng để xuất khẩu.
Hàng tỉ USD cho các thỏa thuận cam kết
Dự án Hydro xanh tại Trà Vinh là 1 trong 10 dự án đã ký biên bản ghi nhớ về cung cấp vốn, tín dụng tại sự kiện huy động “vốn xanh” do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì tại COP 28. Với cam kết này, Ngân hàng Standard Chartered sẽ thu xếp và huy động tới 600 triệu USD cho khoản vay lên tới 20 năm để triển khai xây dựng nhà máy này. Theo quy hoạch, điện tái tạo sẽ tăng lên mức 30,9 – 39,2% vào năm 2030 và 44% vào năm 2045 với điều kiện thực hiện cam kết JETP, do đó nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án nguồn điện là vô cùng lớn, lên tới hàng trăm tỉ USD. Bởi vậy, cùng với dự án Hydro xanh tại Trà Vinh, nhiều khoản vay đã được Việt Nam ký kết với các ngân hàng, đối tác lớn trong chuỗi sự kiện tại COP 28 vừa qua có ý nghĩa rất lớn.
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Tăng Thế Cường, cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhìn nhận nhiều hoạt động gần đây đã cho thấy sự chủ động của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác với các đối tác nhằm thực hiện cam kết cắt giảm khí thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero). Điều đáng chú ý, tổng số tiền huy động được từ các thỏa thuận tài chính này lên tới hàng tỉ USD và phần lớn trong số các bản ghi nhớ này là việc nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã đạt được các thỏa thuận về tài chính để triển khai hàng loạt dự án năng lượng sạch.
Giải quyết nhiều thách thức để hút vốn xanh
Đánh giá về những kết quả đạt được tại COP 28 có ý nghĩa lớn, song theo ông Đào Xuân Lai – trưởng Ban Biến đổi khí hậu và Môi trường, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) – cho hay để thực hiện Quy hoạch điện 8 và đạt mức phát thải ròng bằng 0, việc đầu tư cho các nguồn điện của Việt Nam đến năm 2030 là 134,5 tỉ USD. Khoản tài chính 15,5 tỉ USD trong các hoạt động vừa qua có ý nghĩa bước đầu để huy động các nguồn lực tài chính lớn hơn cho quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam. Thực tế, không phải chỉ riêng các thỏa thuận đã được ký kết, nhiều công ty năng lượng có quy mô hàng đầu thế giới tỏ ra rất quan tâm tới quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam.
Đang đầu tư phát triển Tổ hợp Thăng Long Wind tại tỉnh Bình Thuận, ông Ian Hatton, chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy (Anh), cho biết việc đầu tư không chỉ dừng lại ở dự án điện gió ngoài khơi có công suất 3.400 MW với tổng mức đầu tư 11,9 tỉ USD mà còn triển khai nhà máy để sản xuất, xuất khẩu năng lượng hydrogen từ điện phân nước, với tổng vốn đầu tư 5 tỉ USD. Vì vậy, ông Ian Hatton mong muốn cùng thúc đẩy tiến độ triển khai dự án, đặc biệt là các chính sách giá điện.
Trong khi đó, Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners – CIP (Đan Mạch), doanh nghiệp năng lượng xanh lớn nhất thế giới, đã thành lập công ty liên doanh và hai văn phòng đại diện tại Việt Nam để nghiên cứu phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, bao gồm Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn công suất 3,5GW với tổng vốn dự kiến là 10,5 tỉ USD.
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ sau buổi tiếp của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP 28, ông Stuart Livesey, CEO của Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn và đại diện Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners tại Việt Nam, cho rằng với những định hướng đưa ra của Chính phủ, cùng với việc ban hành Quy hoạch điện 8, là bước quan trọng đầu tiên mở ra cánh cửa đầu tư vào các dự án và cơ sở hạ tầng ngành năng lượng, gửi thông điệp đến thị trường về sự hấp dẫn trong việc đầu tư trực tiếp vào các dự án và chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Stuart Livesey cho rằng kế hoạch triển khai Quy hoạch điện 8 cần phải được đưa ra trong thời gian sớm nhất, với thông tin rõ ràng về các tỉnh/địa điểm được ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi trong giai đoạn đầu cùng bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư để từ đó thiết lập ngành. Lý do là dù Quy hoạch điện 8 đã được ban hành nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin rõ ràng về cách thức một nhà đầu tư có thể triển khai một dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Vì vậy, cần có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các bộ ngành và một cơ quan duy nhất điều hành tất cả các vấn đề liên quan, nhằm đảm bảo những dự án này có thể được đầu tư và bàn giao đúng tiến độ.
“Việt Nam cần phải tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi, đảm bảo triển khai dự án hiệu quả, tránh các thủ tục và chi phí không cần thiết cho nhà đầu tư. Chính phủ cần thiết lập cơ chế, tiêu chí để chỉ lựa chọn nhà đầu tư nghiêm túc, có năng lực nhất, đồng thời giám sát chặt chẽ việc triển khai, vận hành dự án, bảo đảm dự án mang lại những đóng góp tích cực như đã cam kết, tránh tác động tiêu cực đến môi trường biển. Nói một cách đơn giản, việc giảm rủi ro và sự thiếu chắc chắn bằng cách tăng tính minh bạch, rõ ràng có thể giúp các nhà đầu tư cảm thấy thoải mái hơn khi đưa ra các quyết định đầu tư quy mô lớn như vậy”, ông Stuart Livesey nói.
Cần chính sách tốt hơn giá tốt
Ông Hà Đăng Sơn, giám đốc Trung tâm Năng lượng và Phát triển xanh, cho rằng nhà đầu tư tư nhân sẽ không chấp nhận chịu rủi ro và kéo dài đàm phán, đặc biệt là trong đàm phán giá và các cơ chế chính sách chưa rõ ràng.
Do đó, cùng với các tuyên bố cam kết, Việt Nam cần đẩy nhanh hơn nữa việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đặc biệt là tiến độ xây dựng các quy hoạch, như quy hoạch đất đai, quy hoạch biển, cũng như kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch, sớm sửa đổi các quy định và luật liên quan như cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), Luật Điện lực…
Theo ông Hà Đăng Sơn, kinh nghiệm quốc tế là cần có một cơ quan có đủ thẩm quyền để chỉ đạo các bộ ngành, có thể quyết định các vấn đề lớn trong triển khai thực hiện chuyển đổi năng lượng. Bởi đây là vấn đề không chỉ của riêng một bộ ngành nào, mà yêu cầu đặt ra cho nhiều cơ quan chức năng nên vai trò của người cầm trịch, có thể quyết định các vấn đề lớn về chính sách, tránh tình trạng văn bản cứ đẩy đi đẩy lại.
Khi trao đổi với nhà đầu tư, họ đều bày tỏ quan điểm lo sợ rủi ro từ rào cản thể chế chính sách hơn là rào cản liên quan tới giá, nên ngại ngần trong thực hiện đầu tư. Chúng ta muốn đạt được mục tiêu tham vọng là Net Zero thì cần phải có chính sách và hành động tham vọng.
Kỳ vọng sự tiên phong từ dự án Hydro xanh Trà Vinh
Dự án Hydro xanh tại Trà Vinh đã khởi động từ nhiều năm trước và trở thành dự án Hydro xanh đầu tiên tại Việt Nam được khởi công xây dựng vào tháng 3 năm nay, có quy mô lớn nhất Việt Nam đến thời điểm này, được sản xuất từ công nghệ điện phân nước biển, sử dụng điện năng lượng tái tạo để tạo ra nguyên liệu hydro xanh và oxy. Nhà máy sản xuất hydro xanh tại Trà Vinh cũng là một trong những dự án được thực hiện theo đúng định hướng mà Quy hoạch điện 8 (thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2045) được Chính phủ ban hành.
Ngày 05/12, theo ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ tại công trường xây dựng nhà máy sản xuất hydro xanh tại ấp Đông Thành, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh thì mặt bằng cơ bản đã được giải phóng, các công nhân đang gấp rút thi công cổng của nhà máy, không khí nơi đây cũng rất náo nhiệt.
Nhà máy sản xuất hydro xanh Trà Vinh do Công ty cổ phần TGS Trà Vinh Green Hydrogen (thành viên Tập đoàn The Green Solutions) làm chủ đầu tư, được xây dựng trên diện tích khoảng 21ha với tổng vốn đầu tư gần 8.000 tỉ đồng. Hydro được lưu trữ dưới dạng khí lỏng, dễ dàng vận chuyển và được sử dụng nhiều trong các ngành công nghiệp như luyện kim, lọc dầu, sản xuất chất bán dẫn, mỹ phẩm… đồng thời là nguyên liệu cơ bản để sản xuất các hóa chất phục vụ nhiều ngành công nghiệp khác.
Ngoài ra, nhà máy sản xuất hydro xanh tại tỉnh Trà Vinh sẽ giải quyết đầu ra cho lượng điện năng dư thừa của các nhà máy sản xuất điện gió, điện mặt trời. Tới đây, các loại ô tô, xe buýt, xe tải sẽ chạy bằng nhiên liệu hydro với khí thải là hơi nước thay vì khí carbon như hiện nay.
Singapore sẽ nhập 1,2GW điện tái tạo từ Việt Nam
Theo báo Straits Times (Singapore) và Nikkei Asia, từ năm 2033, Singapore sẽ nhập khẩu 1,2 GW điện carbon thấp từ Việt Nam, giúp hoàn thành mục tiêu của đảo quốc sư tử là nhập khẩu 4GW năng lượng tái tạo vào năm 2035 thông qua nhập khẩu điện.
Hồi tháng 10 tại Tuần lễ Năng lượng quốc tế Singapore, ông Tan See Leng, bộ trưởng Nhân lực kiêm bộ trưởng thứ hai về Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI), cho biết Cơ quan Thị trường năng lượng Singapore (EMA) đã cấp phép có điều kiện để Sembcorp Utilities nhập khẩu điện từ Việt Nam thông qua Tổng công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC).
Ông Tan See Leng nói điện chủ yếu sẽ được lấy từ năng lượng gió ngoài khơi mà Việt Nam rất may mắn có được. Theo EMA, điện nhập khẩu từ Việt Nam có thể đáp ứng 10% nhu cầu hằng năm của Singapore và sẽ được truyền tải thông qua tuyến cáp ngầm dài khoảng 1.000 km.
Nhật báo Business Times (Singapore) trích dẫn nghiên cứu giữa Singapore và Mỹ, cho thấy các kết nối dưới biển trong khu vực sẽ giúp giảm phát thải, giảm chi phí vốn và chi phí sản phẩm, tăng cường triển khai năng lượng tái tạo, đồng thời còn có cơ hội đầu tư để phát triển hạ tầng truyền tải dưới biển.
Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cùng Bộ Năng lượng Mỹ nhận định những kết quả nghiên cứu này sẽ thúc đẩy sự thay đổi tư duy về cách kết nối lưới điện khu vực và các dự án xuyên biên giới có thể giải phóng tiềm năng năng lượng tái tạo. “Điều này sẽ góp phần vào sự phát triển của lưới điện ASEAN vốn đã đình trệ trong nhiều năm”, họ nêu thêm.
EMA đã và đang làm việc với nhiều đối tác để thử nghiệm nhập khẩu điện, từ đó hoàn thiện các khuôn khổ kỹ thuật và quy định. Singapore đã nhập khẩu tới 100 MW thủy điện từ Lào vào tháng 6-2022, thông qua dự án tích hợp điện lực bốn bên Lào – Thái Lan – Malaysia – Singapore.
Ngoài Việt Nam, EMA đã cấp phê duyệt có điều kiện cho các dự án nhập khẩu 2 GW điện từ Indonesia và 1 GW từ Campuchia.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hut-von-cho-nang-luong-sach-20231206081242653.htm