Lĩnh vực hoạt động
Tiềm năng ngành năng lượng mặt trời tại Việt Nam
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng nguồn năng lượng mặt trời rất lớn. Bản đồ bức xạ mặt trời Việt Nam do 3 viện nghiên cứu hàng đầu của Tây Ban Nha là CIEMAT, CENER, IDEA lập dựa trên cơ sở số liệu của 171 trạm đo khí tượng thủy văn của Việt Nam đo số giờ nắng trong 30 năm, cơ sở dữ liệu ảnh vệ tinh trong 5 năm và dữ liệu của 12 trạm đo khí tượng thủy văn tự động trong 2 năm.
Vị trí địa lý đã ưu ái cho nước ta một nguồn tài nguyên vô tận đó là năng lượng mặt trời. Tổng bức xạ mặt trời đạt 4kW/h/m2/ngày ở các tỉnh miền Bắc. Đặc biệt, Nam Bộ, Nam Trung Bộ nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng nằm trong khu vực có cường độ bức xạ cao nhất, trung bình khoảng 5kWh/m², với hơn 300 ngày nắng/ năm. Từ dưới vĩ tuyến 17, bức xạ mặt trời không chỉ nhiều mà còn rất ổn định trong suốt thời gian của năm, giảm khoảng 20% từ mùa khô sang mùa mưa. Số giờ nắng trong năm ở miền Bắc vào khoảng 1.500 – 1.700 giờ trong khi ở miền Trung và miền Nam Việt Nam, con số này vào khoảng 2.000 – 2.600 giờ mỗi năm.
Theo bản đồ bức xạ do Ngân hàng Thế giới (WB) phát triển, tiềm năng năng lượng mặt trời ở Việt Nam về mặt lý thuyết là rất lớn. Cường độ bức xạ mặt trời dao động từ 897 – 2.108 kWh/m2/năm, tương đương 2,46 và 5,77 kWh/m2/ngày (MOIT & AECID, 2015). Cường độ bức xạ cao nhất tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam bộ như Đắk Lắk, Gia Lai, Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh và Bình Phước.
Lịch sử phát triển lĩnh vực năng lượng mặt trời của Trường Thành Group
Nhận thấy tiềm năng rất lớn của mảng năng lượng mặt trời, ngay sau khi các nhà máy thủy điện đi vào hoạt động ổn đinh, CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành (Trường Thành Group) đã ngay lập tức bắt tay thực hiện dự án năng lượng mặt trời đầu tiên, Nhà máy điện mặt trời Hồ Bầu Ngứ, vào tháng 03/2019. Nhà máy điện mặt trời Hồ Bầu Ngứ được xây dựng trên 3 xã: xã Phước Hải, huyện Ninh Phước và xã Phước Dinh, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, với tổng mức đầu tư lên tới 1.457 tỷ đồng, trên diện tích 75ha. Nhà máy được áp dụng công nghệ pin năng lượng của tập đoàn Canadian Solar và công nghệ chuyển đổi bức xạ Inverter tiên thiến nhất của tập đoàn General Electric, Hoa Kỳ. Với tinh thần làm việc và quyết tâm cho dự án mới của cán bộ công nhân viê Trường Thành Group, Nhà máy điện mặt trời Hồ Bầu Ngứ đi vào hoạt động vào ngay quý IV năm 2019. Tiếp đà thành công của Nhà máy điện mặt trời Hồ Bầu Ngứ, Trường Thanh Group tiếp tục với dự án điện mặt trời Hồ Núi Một 1 tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, với tổng đầu tư 1.036 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, Trường Thành Group đã đầu tư 2 dự án điện mặt trời với tổng công suất 111,77 MWp, tổng mức đầu tư gần 2.500 tỷ đồng. Đến hết năm 2022, sản lượng điện hoà lưới quốc gia mảng điện mặt trời của Trường Thành Group đạt xấp xỉ 185 triệu kWh/năm.