Năng lượng tái tạo ảnh hưởng đến tương lai khí hậu toàn cầu
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng phát triển điện tái tạo và điện gió ngoài khơi là 2 trong 5 xu thế sử dụng năng lượng sẽ tác động đến tương lai khí hậu của chúng ta.
Điện tái tạo sẽ sớm vượt qua than
Việc tiêu thụ than của thế giới, loại nhiên liệu bẩn nhất, đang bắt đầu chững lại. Cùng với việc đầu tư toàn cầu vào các nhà máy nhiệt điện than mới chững lại đáng kể trong những năm gần đây, nhiều nước cũng đang ngày càng nhận ra rằng sự kết hợp giữa pin Mặt trời và pin dự trữ có thể là một cách rẻ hơn để sản xuất điện.
Theo dự báo của IEA, với các chính sách hiện tại, năng lượng tái tạo như gió, điện Mặt trời và thủy điện sẽ vượt qua nhiên liệu than đá trở thành nguồn sản xuất điện chiếm ưu thế trên thế giới vào năm 2030, đóng góp tới 42% sản lượng điện toàn cầu. Trong khi than sẽ giảm xuống còn 34%. Khí tự nhiên, sạch hơn than nhưng vẫn tạo ra nhiều khí thải làm nóng hành tinh, cũng chiếm mất thị phần của than đá.
Tuy nhiên, IEA lưu ý rằng than “còn lâu mới chết”: hàng trăm nhà máy than đã được xây dựng ở châu Á, có tuổi thọ trung bình chỉ khoảng 12 và vẫn có khả năng hoạt động trong nhiều thập kỷ tới. Thế giới sẽ vô cùng khó khăn để giảm nhanh lượng khí thải nhà kính, nếu các nhà máy này không giảm dần hoạt động, như “nghỉ hưu” sớm hoặc trang bị thêm công nghệ để xử lý ô nhiễm carbon dioxide và chôn vùi dưới lòng đất. Hiện công nghệ thu giữ carbon này vẫn rất tốn kém.
Gió ngoài khơi phát triển và đóng vai trò chủ đạo
Trong nhiều năm, đối với hầu hết các nước, việc lắp đặt tuabin gió trên đất liền rẻ hơn nhiều. Song, với một số khu vực như Biển Bắc châu Âu, các công ty năng lượng gần đây đã lắp đặt các tuabin lớn ngoài khơi có thể “thu hoạch” được lượng gió ổn định và mạnh hơn nhiều. Với chi phí giảm đáng kể, công nghệ này đang ngày càng trở thành một lựa chọn hấp dẫn đối với một số quốc gia.
Gió ngoài khơi hiện cung cấp 2% điện năng của Liên minh châu Âu; IEA dự đoán sản lượng này sẽ tăng gấp 9 lần vào năm 2040. Các công ty cũng đang lên kế hoạch xây dựng các trang trại gió lớn ngoài khơi Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Nếu các tập đoàn kinh tế được cấp phép, gió ngoài khơi có thể trở thành một công cụ quan trọng để cắt giảm khí thải trong những năm tới.
Ngoài 2 xu thế trên, thì việc sử dụng các phương tiện chạy bằng điện, xây dựng tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu cũng sẽ góp phần làm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.