Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp ngành điện, năng lượng tái tạo
Cùng với xu hướng thế giới, Việt Nam đang có một sự chuyển dịch lớn diễn ra trong cơ cấu sản lượng điện. Sản lượng từ điện tái tạo đã và đang gia tăng tỷ trọng nhanh chóng. Theo Quy hoạch Điện VIII được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023, đến năm 2030, cơ cấu nguồn điện nghiêng mạnh sang các nguồn năng lượng tái tạo với tỷ lệ 27%, trong đó điện gió trên bờ chiếm 14,5% tổng công suất các nhà máy điện, điện gió ngoài khơi là 4%, điện mặt trời là 8,5%.
Theo báo cáo giữa năm nay của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu điện toàn cầu được dự báo tăng khoảng 4% năm 2024. Các nguồn năng lượng tái tạo dự kiến sẽ phát triển nhanh chóng, với tỷ lệ trong cơ cấu toàn nguồn cung cấp điện tăng từ 30% vào năm 2023 lên 35% vào năm 2025. Riêng đối với Việt Nam, Statista – công ty nghiên cứu thị trường của Đức dự báo, sản lượng điện năm 2024 dự kiến đạt 282,40 tỷ kWh, với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) đạt 2,99% (2024 – 2029). Trong đó, sản lượng năng lượng tái tạo ước đạt 120,30 tỷ kWh, với tốc độ tăng trưởng CAGR là 3,39%. Theo Tổng cục Thống kê, nền kinh tế Việt Nam 7 tháng đầu năm 2024 đang duy trì xu hướng tích cực. Ngành công nghiệp tiếp tục tăng trưởng lạc quan với chỉ số sản xuất toàn ngành (IIP) tháng 7 ước tính tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tính chung 7 tháng đầu năm, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,4%, đóng góp 1,1 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của BlueWeave Consulting vào tháng 08/2023, từ 2023 – 2029, quy mô thị trường ngành Hệ thống lạnh và Tòa nhà thông minh (HVAC) tại Việt Nam cũng được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 5,25%, đạt giá trị 1,066 tỷ USD vào năm 2029. Trong đó, ngành điều hòa không khí có tốc độ tăng trưởng nổi bật với mức CARG là 7,82% (theo báo cáo của Statista cho giai đoạn 2024 – 2029). Thị trường hệ thống sưởi và làm mát nói chung cũng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm là 8,29%. Với mức đầu tư ấn tượng lên tới 6% GDP cho cơ sở hạ tầng, Việt Nam đang khẳng định vai trò dẫn đầu trong việc phát triển hạ tầng khu vực, vượt xa mức trung bình của khu vực ASEAN ở con số 2,3%. Công trình hạ tầng xây mới này hứa hẹn thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp quốc tế trong ngành HVAC.
Ngày 4/9, công ty Infoma Markets Việt Nam đã tổ chức Triển lãm lần thứ 9 về Công nghệ, Thiết bị và Giải pháp Điều phối và Truyền tải Điện tại Việt Nam – Electric & Power Vietnam 2024, kết hợp cùng Triển lãm Quốc tế lần thứ 16 về Công nghệ HVAC, Hệ thống Làm lạnh và Tòa nhà Thông minh tại Việt Nam – HVACR Vietnam 2024. Triển lãm lần này quy tụ hơn 350 đơn vị trưng bày và thương hiệu đến từ hơn 15 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Đức, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia, Nhật Bản, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Việt Nam,… Đặc biệt, các hội thảo và hội thảo quốc tế được phối hợp tổ chức bởi Informa Markets Việt Nam cùng các đối tác uy tín như Hiệp hội Năng lượng Đô thị Châu Á Thái Bình Dương (APUEA), Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), Câu lạc bộ Điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu Việt Nam (VNCDC), Viettel IDC, Hội KHKT Lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam (VISRAE) hứa hẹn mang đến cho các doanh nghiệp cơ hội cập nhật các xu hướng mới, thực tiễn nhất về ngành.
Electric & Power Vietnam 2024 sẽ trưng bày các sản phẩm, dịch vụ phục vụ ngành điện và năng lượng như thiết bị đồng phát (sản xuất điện thông thường); linh kiện, biến tần và thiết bị ngoại vi; bánh răng, công cụ và máy biến áp; máy phát điện Genset; công nghệ khử muối; giải pháp nguồn điện tạm thời và nguồn điện dự phòng; nguồn điện liên tục (UPS); hệ thống quản lý năng lượng; phản hồi khẩn cấp. Bên cạnh đó, triển lãm còn trưng bày các giải pháp đo lường, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn cho ngành điện, cùng các giải pháp thông minh và tự động hóa, xe điện và hay các dịch vụ môi trường.
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Vân Nga, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công thương, Trưởng Đại diện văn phòng Bộ Công thương tại phía Nam cho biết: “Bộ Công thương luôn ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành điện, năng lượng cũng như HVAC, Trung tâm dữ liệu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thời đại hội nhập”.
Ông Peter Lundberg, Giám đốc Hiệp hội Năng lượng Đô thị châu Á – Thái Bình Dương (APUEA) nhận định, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức giải quyết giảm phát thải carbon, bởi hiện tại, phần lớn năng lượng của Việt Nam đến từ than đá – nguồn tài nguyên đóng góp đáng kể vào lượng khí thải carbon. Dẫn chứng dự báo từ Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IEA), ông Peter Lundberg cho biết thêm, Việt Nam ước tính có tiềm năng năng lượng tái tạo là 1,2 terawatt, tương đương 1.000 tỷ kW. “Để ứng phó với những thách thức này, Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu, cam kết đạt được mức phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là trọng trách lớn lao song cần thiết, khi tiềm năng năng lượng tái tạo tại Việt Nam là rất lớn”, ông Peter Lundberg nói.
Bên cạnh đó, Ông Peter Lundberg cũng cho lời khuyên, tương lai ngành điện nói riêng và Việt Nam nói chung quá trình chuyển đổi năng lượng không chỉ là về năng lượng tái tạo, mà còn là việc sử dụng năng lượng thông minh hơn. Đồng quản điểm, IEA cũng chỉ ra rằng, hiệu quả năng lượng cũng quan trọng đối với quá trình chuyển đổi này như sự phát triển của năng lượng tái tạo. Bằng cách áp dụng các công nghệ và thực hành tiết kiệm năng lượng, chúng ta có thể giảm nhu cầu năng lượng chung, giảm chi phí và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. “Hãy tưởng tượng những khả năng nếu chúng ta có thể khai thác được một phần nhỏ tiềm năng công suất hiện tại. Ví dụ, chỉ cần khai thác 10% nguồn năng lượng quang điện mặt trời có thể đáp ứng toàn bộ công suất sản xuất điện quốc gia là 80 gigawatt. Đây không chỉ là những con số chúng đại diện cho tương lai của năng lượng tại Việt Nam,một tương lai mà các nguồn năng lượng sạch, tái tạo cung cấp năng lượng cho các hộ gia đình, ngành công nghiệp và thành phố”, đại diện APUEA dẫn chứng.
Nguồn: https://baodautu.vn/co-cau-nguon-dien-nghieng-manh-sang-nang-luong-tai-tao-d224015.html