Quy hoạch điện VIII: Bước đột phá chuyển dịch năng lượng
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Vương quốc Anh) đầu tháng 11 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra tuyên bố Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 với nỗ lực cao của quốc gia và với sự hỗ trợ hiệu quả về công nghệ và tài chính từ quốc tế. Đây là thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu toàn cầu, trong đó Việt Nam là một trong số ít nước phải chịu hậu quả nặng nề nhất. Phát thải khí nhà kính từ các hoạt động năng lượng gây ô nhiễm môi trường, là tác nhân trực tiếp dẫn tới biến đổi khí hậu và tạo ra các yếu tố rủi ro tiềm ẩn cho sự phát triển bền vững của quốc gia. COP26 đã hoàn thành các nội dung quan trọng và kết thúc tại Glasgow (Vương quốc Anh) vào ngày 13/11/2021 với gần 200 quốc gia đồng thuận với Hiệp ước Khí hậu Glasgow để giữ cho mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt ở 1,5oC, nhận định các tồn tại và hoàn thiện các phần chưa được thống nhất của Thỏa thuận Paris. Để đạt được mục tiêu này cần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng và phát triển các nguồn năng lượng sạch thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch.
Sau Hội nghị COP26, thực hiện cam kết đưa phát thải ròng về không vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố, Viện Năng lượng – cơ quan soạn thảo Quy hoạch điện VIII đã tính toán lại cơ cấu phát triển nguồn điện giai đoạn 2021 – 2045. Với nhiệt điện than, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu rà soát lại quy hoạch nguồn điện này sau năm 2030 theo hướng chuyển đổi nhiên liệu hoặc không tiếp tục phát triển nếu dự án không có các ràng buộc, có nguy cơ gây thiệt hại về kinh tế. Đặc biệt, lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu cân nhắc tăng thêm quy mô điện gió ngoài khơi và nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nguồn điện này.
Căn cứ Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó Nghị quyết xác định rõ và toàn diện hơn về nhiệm vụ bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và vai trò của phát triển năng lượng quốc gia, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng, đặc biệt là kinh tế tư nhân, kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp độc quyền, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch. Nghị quyết cũng quy định tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 15 – 20% năm 2030 và 25 – 30% năm 2045, tương ứng tỷ lệ điện năng của năng lượng tái tạo (NLTT) trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc là khoảng 30% năm 2030 và 40% năm 2045.
Trên cơ sở các yêu cầu cụ thể đó, Dự thảo Quy hoạch điện VIII (Dự thảo tháng 02/2021) đã đề xuất phát triển cơ cấu công suất các loại hình nguồn điện (đơn vị: MW) như sau:
Trong khi đó, Dự thảo Quy hoạch điện VIII vào tháng 11/2021 đề xuất phát triển cơ cấu công suất các loại hình nguồn điện (đơn vị: MW) như sau:
Có những sự khác biệt trong Cơ cấu công suất các loại hình nguồn điện dự kiến quy hoạch đến năm 2045 (Kịch bản phụ tải cao) giữa các Dự thảo tháng 11/2021, và Dự thảo tháng 02/2022, có thể kể tới như:
– Tỷ trọng công suất nhiệt điện than năm 2030 (theo bản Dự thảo tháng 11/2021) chiếm 25,3% cơ cấu công suất toàn hệ thống, thấp hơn tính toán theo bản Dự thảo tháng 2/2021 và tháng 10/2021 tương ứng là 1,3% và 3%;
– Nhiệt điện khí chiếm tỷ trọng 24%, cao hơn tính toán theo bản Dự thảo tháng 2/2021 và tháng 10/2021 là 1,7%;
– Nguồn Năng lượng tái tạo (không kể thủy điện) chiếm tỷ trọng 27,4%, tương đương với Dự thảo tháng 2/2021, nhưng cao hơn so với tính toán theo bản Dự thảo tháng 10/2021 là 2,5%;
– Phát triển nguồn thủy điện so với bản Dự thảo tháng 2/2021 đến năm 2030 là 5,3% và năm 2045 tăng 19,2%;
– Nguồn lưu trữ (bao gồm thủy điện tích năng và pin tích năng) so với bản Dự thảo tháng 2/2021 đến năm 2030 tăng gấp đôi và năm 2045 tăng hơn 73%.
Tại Hội thảo “Phát triển điện gió ngoài khơi vì tương lai năng lượng sạch của Việt Nam” do Ban kinh tế Trung ương và Hội đồng năng lượng gió toàn cầu đồng chủ trì đã diễn ra tại Hà Nội (ngày 16/12/2021), đại diện Bộ Công Thương xác nhận: Căn cứ vào tiềm năng điện gió ngoài khơi và nhu cầu phát triển Năng lượng tái tạo, dự thảo Quy hoạch điện VIII đã dự kiến xây dựng điện gió ngoài khơi đến năm 2030 với tổng công suất đạt 5.000 MW và đến năm 2045 là 41.000 MW, so với Dự thảo tháng 2/2021 có mức tăng tương ứng là 150% (năm 2030) và 95% (năm 2045). Đặc biệt đến tháng 12/2020 QHĐ VIII dự kiến quy mô nhiệt điện than ở mức dưới 40 GW tới năm 2030 và không xây dựng thêm nhiệt điện than sau năm 2030. Như vậy rõ ràng, Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã xác định vai trò nguồn năng lượng tái tạo và lưu trữ điện năng trong phát triển cơ cấu nguồn điện toàn hệ thống nhằm tiến tới đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Phát triển Năng lượng tái tạo, trong đó đáng chú ý là điện gió ngoài khơi với tiềm năng kinh tế – kỹ thuật đạt 162 GW, lớn hơn cả tổng công suất đặt của hệ thống vào năm 2030 được dự báo là 155, 9 GW (kịch bản phụ tải cao), tuy nhiên dự thảo mới chỉ đề xuất xây dựng 5 GW vào năm 2030 và 41 GW vào năm 2045 là khá thấp so với tiềm năng. Đến năm 2045, với công suất dự kiến xây dựng 41 GW, điện gió ngoài khơi sẽ chiếm 12% trong cơ cấu nguồn toàn hệ thống. Hiện nay nhiều địa phương trong cả nước đã đề xuất phát triển điện gió ngoài khơi với Bộ Công Thương và Chính phủ, với tổng công suất lên tới trên 110 GW. Theo ý kiến của Bộ Công Thương, công suất điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch VIII sau năm 2030 có thể phát triển nhiều hơn nữa nếu “điều kiện kinh tế, kỹ thuật cho phép”.
Đi đôi với phát triển nguồn điện từ Năng lượng tái tạo, sẽ phát triển hệ thống pin lưu trữ năng lượng nhằm góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải hoặc giảm nhu cầu đầu tư nguồn điện và hạ tầng lưới điện để đáp ứng nhu cầu phụ tải cho một số ít giờ cao điểm, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện. Rõ ràng, Quy hoạch điện VIII (dự thảo tháng 11 và 12 năm 2021) đã đồng loạt tăng tỷ trọng Năng lượng tái tạo lên mức cao hơn so với các bản dự thảo trước đó, kể cả nguồn năng lượng tái tạo truyền thống như thủy điện và bổ sung nguồn phát điện mới, đó là lưu trữ năng lượng (thực tế là 2 dự án thủy điện tích năng Bác Ái và Phước Hòa với quy mô mỗi dự án 1.200 MW).
Với các cơ chế khuyến khích (Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ – xem bảng 3), điện mặt trời đã có sự phát triển bùng nổ trong năm 2019 và đặc biệt là năm 2020, góp phần bổ sung nguồn điện quan trọng, đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Tính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên cả nước đã đạt khoảng 19.400 MWp (tương đương 16.500 MW). Đối với điện gió, giá FIT cũng là “cú hích” để các dự án loại hình năng lượng này phát triển mạnh. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam (xem bảng 3). Tính đến thời điểm 31 tháng 10 năm 2021 đã có 84 dự án điện gió (so với 106 dự án đăng ký) với tổng công suất 3.980,265 MW được đưa vào vận hành thương mại.
Ngoài các cơ chế khuyến khích về giá mua điện như nêu trên, các dự án Năng lượng tái tạo ở Việt Nam còn có thể được hưởng các cơ chế hỗ trợ khác như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu thiết bị, ưu đãi về sử dụng đất và tiếp cận tài chính… (xem bảng 4).
Đối với việc phát triển hệ thống tích trữ năng lượng và điện gió ngoài khơi không những phải bổ sung thêm các quy định, chính sách phù hợp mà có thể cần thêm những cơ chế chính sách, đặc biệt có các cơ chế chia sẻ rủi ro thì chắc chắn sự chuyển dịch năng lượng sẽ thành công.
Rõ ràng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2045 đâu chỉ là những con số để định hướng phát triển điện lực trong giai đoạn 10 năm tới mà đây còn là bước đột phá chuyển dịch năng lượng nước ta. Cơ cấu nguồn điện phù hợp hơn, giảm năng lượng hoá thạch, tăng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, đặc biệt là có phương án thêm điện gió ngoài khơi và hệ thống lưu trữ năng lượng trong tổng cơ cấu nguồn, phù hợp với các cam kết của Việt Nam tại hội nghị COP 26 về giảm phát thải carbon, bảo vệ môi trường. Tỷ trọng ngày càng tăng của điện mặt trời và điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi đòi hỏi phải áp dụng các giải pháp linh hoạt về kinh tế và kỹ thuật. Bây giờ chính là lúc để thay đổi hệ thống đáp ứng với sự thay đổi về cơ cấu nguồn phát. Tính linh hoạt đã được xem là nguyên tắc chủ đạo trong quá trình xây dựng quy hoạch phát triển điện trong giai đoạn 2021 – 2030. Pin lưu trữ năng lượng, thủy điện tích năng, phát triển thêm các nguồn thủy điện, trong đó có việc mở rộng thêm công suất một số nhà máy thủy điện đang vận hành; phát triển công nghiệp khí hydro; chuyển đổi nhiên liệu từ than sang gas sẽ tăng tính linh hoạt vận hành hệ thống điện là sự chuyển dịch tất yếu của ngành năng lượng nước ta./.