Thủy điện tích năng, định hướng phát triển trong tương lai của ngành điện
Năm 2020 được đánh giá là một năm thành công với điện mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời áp mái, nhờ chính sách khuyến khích của Chính phủ, đặc biệt là Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (Quyết định 13). Theo báo cáo của tập đoàn điện lực Việt Nam, EVN, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời tính đến hết năm 2020 là 19.400 MWp, tương ứng khoảng 16.500 MW, chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia; toàn bộ sản lượng điện phát từ điện mặt trời trên toàn quốc trong cả năm 2020 là 10,6 tỉ kWh, trong đó, riêng điện mặt trời mái nhà là 1,15 tỉ kWh. Như vậy, công suất điện mặt trời năm 2020 tăng vượt bậc, bằng hơn 300% so với tổng công suất điện mặt trời năm 2019. Tuy nhiên, theo các chuyên gia năng lượng, các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió,… luôn chịu ảnh hưởng rất lớn từ thời tiết, và môi trường bên ngoài. Ví dụ đối với năng lượng mặt trời, tác nhân ảnh hưởng chính là bức xạ mặt trời. Tại giờ thấp điểm như giờ trưa (khoảng 10h – 14h), nhu cầu sử dụng điện giảm, nhưng đây lại là lúc sản xuất điện năng lượng mặt trời tốt nhất, gây nên tình trạng dư thừa điện, và ngược lại tại giờ cao điểm tối thì hiện tượng thiếu hụt điện trầm trọng nếu sử dụng điện mặt trời. Cho nên, việc tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện quốc gia tăng, sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho an toàn lưới điện quốc gia trong vận hành thực tế. Giải pháp được đưa ra chính là các nguồn năng lượng linh hoạt hơn, như thủy điện tích năng, pin tích năng, động cơ đốt trong sử dụng LNG,…
Trong những nguồn năng lượng trên, thủy điện tích năng là một giải pháp đã được Việt Nam tính tới và định hướng phát triển năng lượng trong thời gian tới, được Bộ Công thương đưa vào dự thảo Quy hoạch điện VIII. Dự án đầu tiên của thủy điện tích năng là Thủy điện tích năng Bắc Ái, được EVN đề xuất, xây dựng kế hoạch và phê duyệt vào cuối năm 2019 và khởi công vào mùng 06/01/2020 tại tỉnh Ninh Thuận, với tổng mức đầu tư là 21.100 tỷ đồng. Nhà máy thủy điện tích năng là một mô hình khai thác sức nước với việc xây dựng 2 hồ chứa nước ở hai cao độ khác nhau và 1 nhà máy thủy điện với tua bin thuận nghịch nằm ở gần hồ chứa bên dưới, nối với hồ chứa bên trên bằng đường ống áp lực, nhờ vậy, nhà máy có thể điều tiết lượng điện khai thác tùy vào nhu cầu sử dụng, và nhu cầu bán điện của chủ đầu tư. Khác với nhà máy thủy điện truyền thống, những nhà máy thủy điện tích năng chỉ cần diện tích nhỏ làm hồ chứa, lưu trữ đủ lượng nước cho số giờ chạy máy theo công suất thiết kế, vì vậy, tác động đến môi trường xung quanh rất thấp.
Hiện tại, ngoài dự án thủy điện tích năng Bắc Ái, còn có 3 dự án thủy điện tích năng là Phù Yên Đông (công suất 1.2000 MWp) ở tỉnh Sơn La, Đơn Dương (công suất 1.2000 MWp) ở tỉnh Lâm Đồng, Hàm Thuận Bắc ở tỉnh Bình Thuận đang có kế hoạch triển khai đầu tư, và một số dự án thủy điện tích năng khác có tính khả thi (Phù Yên Tây, Mộc Châu ở tỉnh Sơn La, Châu Thôn ở tỉnh Nghệ An,…), có thể xem xét xây dựng theo nhu cầu phát triển điện. Tỉnh Ninh Thuận và Sơn La là 2 địa phương được các chuyên gia đánh giá cao về tiềm năng phát triển thủy điện tích năng ở Việt Nam. Dự kiến đến năm 2050, các nhà máy thủy điện tích năng Việt Nam có tổng công suất khoảng 8.000 MW, bằng khoảng 5% công suất của hệ thống.