Tổng kết hoạt động 2021 của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT)
Năm 2021, mặc dù việc thu xếp vốn đầu tư cho các dự án ngày càng khó khăn, phức tạp, nhưng EVNNPT đã đảm bảo thu xếp vốn kịp thời cho các dự án đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống truyền tải điện. Cụ thể, EVNNPT đã thực hiện thủ tục thu xếp vốn vay trong nước cho 89 dự án với tổng giá trị vay là 32.082 tỷ đồng; trong đó đã ký hợp đồng tín dụng cho 18 dự án với tổng số tiền là 5.817 tỷ đồng. Đối với vốn vay thương mại nước ngoài, mặc dù gặp khó khăn trong biện pháp bảo đảm tiền vay do chưa có cơ chế thế chấp tài sản cho ngân hàng nước ngoài để vay vốn nhưng Tổng công ty đã khắc phục khó khăn, phát hành hồ sơ thu xếp vốn cho dự án đường dây 500 kV Đức Hòa – Chơn Thành với số tiền 50 triệu USD thông qua chào cạnh tranh, vay thương mại nước ngoài theo hình thức tín chấp và đã lựa chọn được Ngân hàng Fubon (Đài Loan, Trung Quốc) thu xếp vốn cho Dự án. Ngoài ra, Tổng công ty còn làm việc với ADB, JICA, AFD để triển khai thu xếp vốn cho các dự án trong thời gian tới theo hình thức vay thương mại không có bảo lãnh Chính phủ. EVNNPT đã làm việc với các bộ, ngành để gia hạn thời gian thực hiện và giải ngân cho khoản vay KfW1 và triển khai thu xếp vốn giai đoạn 2 khoảng 200 triệu EUR; Làm việc với WB và các bộ ngành về thu xếp vốn dự án “Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam”. Đồng thời đã chủ động làm việc với các nhà tài trợ nước ngoài như: WB, KfW, ADB, AFD, JICA để trao đổi, chuẩn bị các thủ tục sẵn sàng triển khai công tác thu xếp và huy động vốn ngay sau khi Nghị định 114/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài được ban hành.
Cùng với đó, mở rộng và đa dạng hóa các quan hệ hợp tác quốc tế luôn luôn là một trong những mục tiêu hàng đầu của EVNNPT. Năm 2021, EVNNPT tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác với các đối tác chiến lược như USTDA – Mỹ, Kansai Nhật Bản, các nhà cung cấp (GE, Siemens, Izolyator), các công ty tư vấn, các Công ty điện lực, truyền tải trong khu vực, Công ty truyền tải điện quốc tế EGI – Bỉ; Tổng công ty Lưới điện Liên bang Nga (ROSSETI). Trong quá trình hợp tác, các nhà sản xuất thiết bị thường xuyên trao đổi với Tổng công ty, cung cấp các dữ liệu, thông tin hữu ích để các cán bộ kỹ thuật nghiên cứu, tìm hiểu nhằm áp dụng cho lưới điện ở Việt Nam.
Trong năm 2021, EVNNPT đã hoàn thành 112/106 nhiệm vụ theo kế hoạch chuyển đổi số năm; trong đó hoàn thành trước tiến độ 7 nhiệm vụ thuộc kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2022 – 2025. Tổng công ty đã triển khai hệ thống văn phòng số (D-Office) thống nhất toàn Tổng công ty đến đơn vị cấp 4, đã ứng dụng D-Office để thực hiện các nghiệp vụ như: Thẩm định dự án đầu tư, Thẩm định Hồ sơ thầu, Thẩm định Quyết toán, Giấy đề nghị chuyển tiền…. Đồng thời đưa vào sử dụng chính thức phần mềm Thư viện tài liệu. Tổng công ty đã tổ chức 800 cuộc họp trực tuyến, và chỉ đạo thực hiện các gói thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi qua mạng, các hồ sơ đã được xử lý/lưu trữ qua điện tử và số hóa. Bên cạnh đó, EVNNPT đã triển khai Hệ thống phần mềm IMIS 2.0 và nhật ký điện tử, sử dụng Camera giám sát thi công các công trình đầu tư xây dựng, thí điểm sử dụng phần mềm Gantter để quản lý tiến độ các dự án lưới điện giải tỏa công suất cụm Vân phong. Riêng phần mềm quản lý kỹ thuật nguồn và lưới điện (PMIS) đã hoàn thành cập nhật dữ liệu thiết bị và triển khai quy trình sửa chữa bảo dưỡng theo CBM cho máy biến áp và máy cắt. Đồng thời triển khai 4 hệ thống phần mềm chính phục vụ quản lý, vận hành lưới điện đó là: Hệ thống quản lý đường dây truyền tải điện, Hệ thống quản lý trạm biến áp bằng thiết bị thông minh, Hệ thống quản lý thí nghiệm, Hệ thống quản lý an toàn, Hệ thống Quản lý sửa chữa lớn. Ngoài ra, EVNNPT đã chủ động thực hiện các hệ thống điều khiển tích hợp SICAM PAS của SIEMENS, Zenon của COPADATA, SurvalentOne của Survalent, MicroSCADA của ABB và đang tiếp tục nghiên cứu làm chủ các hệ thống DS Agile của GE, PACiS của ALSTOM và PCS9700 của Nari.
Cũng trong năm 2021, EVNNPT đã tiết kiệm 10% chi phí so với định mức đã được Tập đoàn giao, tương ứng với tiết kiệm 86 tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, các chỉ tiêu tài chính cơ bản của Tổng công ty đảm bảo đáp ứng các yêu cầu theo quy định với hệ số bảo toàn vốn là 1,01 lần, khả năng thanh toán ngắn hạn là 1,31 lần, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là 2,41 lần. Việc quản lý dòng tiền được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đánh giá hoàn thành tốt tất cả các chỉ tiêu giao, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của EVNNPT.
Ngoài ra năm 2021, Tổng công ty đã xử lý được nhiều khoản nợ cũ tồn tại qua nhiều năm, các khoản nợ còn lại cơ bản đã được đối chiếu xác nhận. Thông qua công tác cấp phát, thanh toán vốn đã kiểm tra giám sát góp phần làm giảm hàng tồn kho, giá trị tồn kho và thời gian tồn kho, hạn chế tiền bồi thường hỗ trợ tái định cư tồn đọng tại các hội đồng bồi thường địa phương và đẩy nhanh thanh quyết toán công nợ, quyết toán chi phí bồi thường với các hội đồng bồi thường địa phương. Đặc biệt việc quyết toán các dự án đầu tư đã đi vào nền nếp và được EVNNPT quán triệt là công tác trọng tâm, thường xuyên, liên tục. Do vậy trong năm 2021 EVNNPT đã phê duyệt quyết toán 53/42 dự án kế hoạch đầu năm, 53/65 dự án kế hoạch điều chỉnh. Có 9 dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Công Thương, EVNNPT đang bám sát đôn đốc để được phê duyệt trong năm 2022.
Nguồn thông tin:
http://icon.com.vn/vn-s83-181004-574/Tiep-tuc-thu-xep-du-von-cho-cac-du-an-luoi-dien.aspx
http://icon.com.vn/vn-s83-181003-693/Hoan-thanh-truoc-tien-do-7-nhiem-vu-chuyen-doi-so-.aspx