Trường Thành Group – Mã cổ phiếu TTA được chấp thuận niêm yết trên HOSE với vốn điều lệ 1.350 tỷ đồng
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo chấp thuận đăng ký niêm yết cổ phiếu cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển Trường Thành (Trường Thành Group – Mã cổ phiếu TTA).
Theo đó, Trường Thành Group có vốn điều lệ 1.350 tỷ đồng, được niêm yết 135 triệu cổ phiếu trên HOSE với mã chứng khoán TTA.
Với vốn điều lệ như vậy, doanh nghiệp sẽ thuộc top trung vốn điều lệ trên sàn HOSE.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, Trường Thành Group được thành lập năm 2008, là đơn vị về đầu tư và xây dựng các công trình năng lượng như thủy điện, năng lượng mặt trời, năng lượng gió.
Tính tới thời điểm nộp hồ sơ, doanh nghiệp sở hữu 3 nhà máy đang phát điện thương mại, bao gồm: Nhà máy Thủy điện Ngòi Hút 2 với công suất 48 MW, tổng kinh phí đầu tư là 1.260 tỷ đồng, sản lượng điện bình quân là 209 triệu KWh/năm, dự án chính thức vận hành tháng 12/2014.
Nhà máy thứ 2 là Nhà máy thủy điện Ngòi Hút 2A với công suất 8,4 MW, dự án này cung cấp cho mạng lưới điện quốc gia 30 triệu Kwh/năm với tổng mức đầu tư là 292 tỷ đồng và chính thức vận hành thương mại tháng 12/2016.
Nhà máy thứ 3 là Nhà máy điện mặt trời Hồ Bầu Ngứ với công suất là 62 MWp, tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, cung cấp cho lưới điện quốc gia sản lượng 100 triệu KWh/năm và hòa lưới điện quốc gia vào quý IV/2019.
Được biết, theo định hướng phát triển của Chính phủ trong giai đoạn sắp tới, các nguồn điện như thủy điện gặp khó khăn do hạn hán, các nhà máy nhiệt điện than và khí do nguồn cung than và khí thiếu, cũng như các nhà máy than đang có nguy cơ ôi nhiễm nên Chính phủ đẩy mạnh, tạo cơ chế cho phát triển các dự án điện mặt trời, điện gió trong những năm qua, giá ưu đãi tương đối cao. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây chính sách đã điều chỉnh giảm giá mua.
Kể từ 1/7/2020, các dự án điện mặt trời ở Việt Nam đã có sự điều chỉnh giảm đáng kể so với giai đoạn trước. Cụ thể, giá mua điện với dự án điện mặt trời nổi là 1.783 đồng/kWh, tương đương 7,69 UScent/kWh; giá mua điện dự án điện mặt trời mặt đất là 1.644 đồng/kWh, tương đương 7,09 UScent/kWh; giá mua điện mặt trời mái nhà là 1.943 đồng/kWh, tương đương 8,38 UScent/kWh (giá mua điện trước đây 9,35 cent/kWh).
Mức giá này được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Như vậy, giá điện các dự án điện mặt trời đã có điều chỉnh giảm, các dự án hòa lưới điện quốc gia giai đoạn 2020-2025 sẽ không được giá ưu đãi như trước.
Như vậy, với việc Trường Thành Group – Mã chứng khoán TTA chuẩn bị lên sàn, ngành năng lượng sẽ có thêm nhiều chọn lựa hơn cho nhà đầu tư cá nhân, cũng như tổ chức nhắm vào các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ổn định đầu ra và có thể chia cổ tức cao cho cổ đông khi các dự án đi qua điểm hòa vốn, cũng như doanh nghiệp đã trả tương đối nợ vay và bắt đầu bước vào giai đoạn hoạt động ổn định, dòng tiền đều.
Tính tới 31/03/2020, cơ cấu cổ đông của Trường Thành Group gồm 4 cổ đông lớn: Công ty TNHH Xây dựng Trường Thành sở hữu 31,9 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 23,63% vốn điều lệ; ông Trần Huy Đức, sở hữu 31,4 triệu cổ phiếu, chiếm 23,26% vốn điều lệ; bà Nguyễn Thị Ngọc sở hữu 15,7 triệu cổ phiếu, chiếm 11,63% vốn điều lệ; ông Trần Huy Thiệu sở hữu 8,8 triệu cổ phiếu, chiếm 6,52% vốn điều lệ. Như vậy, 4 cổ đông lớn sở hữu 65,04% vốn điều lệ.
Trong đó, ông Trần Huy Đức là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc của công ty. Được biết, theo Nghị định 71/2017/NĐ-CP, đối với công ty niêm yết thì Chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm chức danh Giám đốc. Như vậy, để chuẩn bị lên sàn doanh nghiệp sẽ sớm phải có điều chỉnh tách bạch giữa Chủ tịch HĐQT và Giám đốc.
Tình tình tài chính trước lên sàn của Trường Thành Group – Mã chứng khoán TTA
Trong năm 2020, doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu là 450 ty đồng, lợi nhuận sau thuế là 140 tỷ đồng, lần lượt tăng 67% và 85,7% so với thực hiện năm 2019.
Doanh nghiệp mới công bố báo cáo tài chính năm 2019 kiểm toán. Tính tới 31/12/2020, tổng tài sản của doanh nghiệp là 3.921,2 tỷ đồng, tăng 45,7% so với đầu năm 2019. Trong đó, tài sản cố định trị giá 2.792,1 tỷ đồng, chiếm 71,2% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn là 851,2 tỷ đồng, chiếm 21,7% tổng tài sản.
Doanh nghiệp có thuyết minh chủ yếu tài sản dở dang là dự án Thủy điện Pá Hu với giá trị 847,2 tỷ đồng, toàn bộ giá trị công tình được sử dụng để đảm bảo cho các khoản vay ngân hàng. Trong khi đó, tài sản cố định hữu hình chủ yếu là nhà cửa, vật kiến trúc trị giá 1.547,9 tỷ đồng, máy móc và thiết bị trị giá 1.152,8 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết, giá trị còn lại lên tới 2.776,2 tỷ đồng đã thế chấp tại ngân hàng.
Đối ứng với tài sản, doanh nghiệp có tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn lên tới 2.271,9 tỷ đồng, chiếm 146,8% vốn chủ sở hữu. Doanh nghiệp có thuyết minh chủ yếu là vay ngân hàng.
Như vậy, nếu so với hai doanh nghiệp đang niêm yết là CTCP Bamboo Capital (BCG) tỷ lệ này là 138%, CTCP Điện Gia Lai (GEG) tỷ lệ là 144% đang thấp hơn so với Trường Thành Group – Mã cổ phiếu TTA. Chưa kể tới so với với các doanh nghiệp có dự án điện như CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG) …
Theo tinnhanhchungkhoan.vn